Nhiều điểm mới trong dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế
Việc bổ sung nhiều quy định mới trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) dự kiến sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét trong tháng 8 này.
Bổ sung quyền của người nộp thuế
Theo ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo luật, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung thêm các quyền, tạo thêm thuận lợi cho người nộp thuế. Cụ thể, người nộp thuế được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, thủ tục khai thuế, tính thuế, nộp thuế, dự thảo luật đã bổ sung quy định: thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán, thời hạn được khai bổ sung, thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách thuế đã hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân thế nào?
15:29, 10/07/2018
Kinh nghiệm quốc tế trong thực thi chính sách thuế
20:05, 26/07/2018
Dự thảo cũng sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo quy định hiện hành, cá nhân có duy nhất một nguồn thu nhập thì thực hiện khấu trừ tại nguồn và uỷ quyền quyết toán qua tổ chức chi trả. Đối với cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên thì phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế, nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.
Qua quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập trong việc khai quyết toán thuế TNCN. Để cải cách việc quyết toán thuế TNCN theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế TNCN, dự thảo đã sửa đổi thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân: cho phép thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch - kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được xóa nợ thuế từ 1 - 5 tỷ đồng
Tại Luật Quản lý thuế hiện hành quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày. Quy định này áp dụng cho cả người nộp thuế thực tế không còn đối tượng để thu; người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Quy định này dẫn đến tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31/12/2017 tăng lên đến 10.465 tỷ đồng. Số nợ này theo dõi trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Do đó, cần khoanh nợ đối với khoản nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của các đối tượng nêu trên để làm giảm số nợ ảo.
Vì vậy, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo hướng: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 1 - 5 tỷ đồng. Cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan được xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 1 tỷ đồng.
Bổ sung quy định về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử
Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện Chỉ thị số 26/TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định về hoá đơn điện tử trình Chính phủ xem xét ban hành. Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử.
Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định về hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử vì theo quy định hiện hành về in, phát hành, sử dụng hóa đơn được xây dựng cơ bản để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy.
Mặc dù đã có quy định về hóa đơn điện tử, nhưng chưa bắt buộc áp dụng rộng rãi, mà vẫn cho phép doanh nghiệp được sử dụng đồng thời nhiều hình thức hóa đơn nên đa số các doanh nghiệp vẫn lựa chọn sử dụng hóa đơn giấy; chỉ một số ít doanh nghiệp lựa chọn áp dụng hóa đơn điện tử.
Việc áp dụng hoá đơn điện tử, đặc biệt là hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế trong thời gian qua cho thấy, áp dụng hoá đơn điện tử giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính của doanh nghiệp và cơ quan thuế; giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục tình trạng làm giả hoá đơn, gian lận về hoá đơn, giảm chi phí lợi ích cho toàn xã hội...
Bổ sung quy định về quản lý thuế thương mại điện tử
Ban soạn thảo cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh. Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài. Mô hình kinh doanh này ngày một phát triển do sự thuận lợi từ những đặc điểm của loại hình kinh doanh qua mạng. Luật quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và thương mại điện tử thông qua các quan điểm trọng yếu như cơ chế tự khai - tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử).
Để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.
Dự thảo Luật Quản lý thuế đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: Đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại; Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an…