Hà Tĩnh: Bãi thải công trình Ngàn Trươi – Cẩm Trang thành bãi rác sinh hoạt
Để phục vụ thi công dự án hồ thủy lợi, kênh mương Ngàn Trươi – Cẩm Trang, cơ quan chức năng đã cho phép sử dụng bãi thải vật liệu tạm thời làm nơi tập kết đất, đá, cát… dư thừa.
Tuy nhiên, các đơn vị được phép hoạt động lại không tuân thủ quy định còn bãi thải trở thành nơi tập kết rác sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường.
Bãi thải công trình thành bãi rác sinh hoạt
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư 9.165,6 tỷ đồng. Đại công trình này được xây dựng trên sông Ngàn Trươi thuộc khu vực thị trấn Vũ Quang (Hà Tĩnh) có tổng diện tích lưu vực 408 km2, dung tích chứa 932,7 triệu m3. Dự án được tách thành 3 tiểu dự án độc lập, trong đó Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 04) - Bộ NN &PTNT là chủ đầu tư hợp phần đầu mối “Công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi”. UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tiểu dự án “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hệ thống Kênh”.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Thủy điện đồng loạt xả lũ, nhiều địa phương có nguy cơ ngập nặng
18:14, 30/08/2018
Dãy nhà liền kề HUD Hà Tĩnh: Tự thay đổi thiết kế, phá vỡ quy hoạch
11:42, 23/08/2018
Hà Tĩnh: Huyện cam kết trả lời sau 20 ngày, người dân dừng việc bao vây nhà máy
17:16, 13/08/2018
Dự kiến khi thi công dự án sẽ có một khối lượng lớn đất, đá được bốc lên. Để giải quyết khối lượng đất đá này, cơ quan chức năng đã cho phép xây dựng bãi thải công trình tạm thời trên địa bàn huyện Vũ Quang để làm nơi tập kết đất, đá, cát… dư thừa trong quá trình xây hồ, đào kênh. Theo đó, bãi thải công trình được quy hoạch xây dựng tại ba điểm, trong đó thị trấn Vũ Quang có 2 điểm, xã Hương Minh 1 điểm với tổng diện tích hơn 10 héc ta. Năm 2009, bãi thải được đưa vào hoạt động và giao Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 và Ban Quản lý dự án Ngàn Trươi quản lý, sử dụng.
Các đơn vị thuộc dự án có thể sử dụng vật liệu dư thừa, tái tạo phục vụ công trình hoặc cung ứng cho một số đơn vị khác trên địa bàn nếu có nhu cầu. Sau khi công trình hoàn thành, các đơn vị này phải hoàn trả lại mặt bằng bàn giao cho địa phương quản lý.
Sau 5 năm xây dựng, đến nay, một số hạng mục công trình thuộc dự án đã hoàn thành, thế nhưng tại các bãi thải tập kết vẫn còn tồn tại một khối lượng vật liệu dư thừa rất lớn. Đặc biệt, trong quá trình thi công, nhiều đơn vị đã đổ thải không đúng nơi quy định, bãi thải bị biến thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt của người dân gây ô nhiễm môi trường.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các bãi thải ước tính còn khoảng hàng ngàn m3 đất, cát còn ứ đọng. Các đơn vị nhà thầu vận chuyển đất thải, bùn thải, gốc rễ cây… đổ ngổn ngang không được quy định theo vùng, theo lô. Quá trình tập kết vật liệu đã vô tình tạo ra những hố sâu, để lâu ngày cây cối, cỏ dại mọc um tùm che khuất tiềm ẩn nguy hiểm, gây mất cảnh quan khu vực.
Nguy cơ ô nhiễm, uy hiếp tính mạng
Theo ông Phan Quốc Long, Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang thì tình trạng các nhà thầu đổ đất, đá không đúng nơi quy định là có thật. Tuy nhiên, địa phương không đủ thẩm quyền để xử lý việc này. “Vấn đề này chính quyền địa phương đã nắm được nhưng không đủ thẩm quyền xử lý. Chúng tôi đã làm tờ trình báo cáo lên cấp trên về những bất cập tại bãi thải công trình tạm thời này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thời gian gần đây một số người dân đã mang rác ra bãi thải này vứt bừa bãi gây mất cảnh quan, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, mặc dù trên địa bàn có 2 bãi thải công trình tạm thời của dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang nhưng địa phương không được thông tin về những hoạt động của dự án khiến việc theo dõi gặp nhiều khó khăn. Địa phương đã nhiều lần đề nghị Ban Quản lý dự án sớm hoàn thiện công trình, hoàn trả lại hiện trạng bàn giao đất cho địa phương quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, Nguyễn Trọng Nghĩa- Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang, cho hay: Để khắc phục tình trạng này, huyện đã kiến nghị một số giải pháp nhưng bị Ban quản lý dự án xem nhẹ. Nếu Ban quản lý dự án không sớm khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm và tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường”.