Thủ tướng chính phủ: “Xử lý nghiêm công chức tạo rào cản đầu tư”
Lâu nay, sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý được xem là rào cản lớn nhất trong việc cải tiến các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Tài Anh – Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định số 10/2017 quy định các dự án đầu tư xây dựng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công. Trường hợp vượt quá, EVN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định.
Nhiều kiểu vướng mắc
Như vậy, theo ông Anh, đối với các dự án nhóm A, không sử dụng vốn đầu tư công có giá trị từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định đầu tư. Hiện Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng năng lực và thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan đại diện chưa được quy định.
“Thực tế hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng như của EVN có nhiều hạng mục công trình thuộc nhiều chuyên ngành kỹ thuật và cấp khác nhau. Nếu tất cả các hạng mục này đều phải tính theo hạng mục công trình chính thì việc trình thẩm định sẽ kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án” – ông Tài Anh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phá bỏ rào cản hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển
11:00, 10/08/2018
Nhiều rào cản “ngáng chân” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
08:40, 30/07/2018
Phá bỏ rào cản về đa dạng hoá nguồn vốn và thể chế để kinh tế tư nhân phát triển
11:40, 11/07/2018
Những chồng chéo về luật còn được ông Bùi Trần Hà - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định chỉ rõ, theo Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng hiện hành, nhà thầu khi nộp thầu phải có bảo lãnh dự thầu để không bỏ gói thầu hoặc bỏ dự án khi trúng thầu. Trường hợp trúng thầu phải nộp tiền bảo lãnh hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng, nhưng không có quy định pháp luật nào về chế tài với chủ đầu tư khi chủ đầu tư không chịu thanh toán. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có đủ năng lực thi công nhưng không trúng thầu, trong khi có không ít doanh nghiệp ngoài tỉnh năng lực yếu kém, công nghệ lạc hậu nhưng vẫn trúng.
Trao đổi với DĐDN, một chủ doanh nghiệp (xin giấu tên) thừa nhận, hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng có rất nhiều. Ngoài hệ thống Luật Nhà ở, Luật xây dựng; Luật Đầu tư; Luật kinh doanh Bất động sản... còn các văn bản hướng dẫn, nhiều khi trùng lặp, mâu thuẫn. “Luật quy định cơ chế “một cửa” nhưng thực tế lại “nhiều ngách” tạo nên nhiều vướng mắc.
Xử lý nghiêm công chức “làm khó” nhà đầu tư
Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink chỉ rõ, theo Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư hiện còn nhiều bất cập, mang nặng tính hình thức và chưa đảm bảo công khai, minh bạch.
Ông Vinh dẫn chứng, kết quả khảo sát hơn 70 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông đã thực hiện, 100% trường hợp đều là chỉ định thầu với lý do không đủ số lượng nhà đầu tư quan tâm. Việc tổ chức đầu thầu không minh bạch đã khiến cho các nhà đầu tư làm ăn chân chính cảm thấy chán nản và mất niềm tin. Trong khi đó, việc chỉ định thầu tràn lan đã dẫn đến nhiều trường hợp nhà đầu tư được chỉ định nhưng không đảm bảo năng lực tài chính và kỹ thuật để triển khai thực hiện dự án. Kết quả là nhiều dự án đầu tư vừa triển khai dở dang đã bị đình trệ hoặc phá sản do nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, kịp thời xử lý các vướng mắc. Về lâu dài, các cơ quan cần kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ quan quản lý nhà nước, các công chức khi không tuân thủ các quy định pháp luật, gây hậu quả tiêu cực cho xã hội, kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Cơ chế để doanh nghiệp mua bán nợ tham gia xử lý nợ đọng Nợ đọng xây dựng cơ bản là một mắt xích quan trọng trong việc hình thành nợ xấu, xử lý triệt để nợ đọng là cách ngăn chặn và xử lý nợ xấu hiệu quả. Theo đó, cần có cơ chế để các doanh nghiệp mua bán nợ tham gia xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Trên thị trường tài chính hiện nay, chuyển nợ thành cổ phần đang là một công cụ hiệu quả và đóng vai trò như một biện pháp xử lý nợ. Tại các đơn vị nhà nước có số dư nợ đọng lớn, khi cổ phần hóa cần tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi nợ thành vốn góp. PGS TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng): Cần phân cấp thẩm định Nhiều chủ đầu tư phàn nàn về sự chậm trễ trong công tác thẩm định ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, cơ hội và việc giải ngân vốn đầu tư. Luật nên phân cấp cơ quan chuyên môn của nhà nước chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở. Các nội dung khác có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định, nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Sự phân cấp này phải cụ thể (về nội dung thẩm định) và phù hợp cho các dự án khi sử dụng nguồn NSNN và nguồn vốn khác. |