"Tiền sửa chữa cầu Thăng Long được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ"
Liên quan đến vấn đề kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, số tiền sửa chữa cầu sẽ lấy từ quỹ bảo trì đường bộ.
Tại buổi họp báo quý III/2018, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc khắc phục tình trạng mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngày 17/9 vừa qua, đoàn chuyên gia của Nga sang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, đồng thời tiến hành khảo sát hiện trường. Tuy nhiên, đây mới là những trao đổi về nguyên tắc.
“Bộ Giao thông Vận tải muốn lấy Nga là một kênh để đánh giá các giải pháp cho vấn đề sửa chữa. Một trong những đề nghị của Việt Nam với phía Nga là cử các chuyên gia trước đây đã tham gia xây dựng cầu Thăng Long và đặc biệt có một chuyên gia xử lý trực tiếp vấn đề dính bám giữa mặt cầu với kết cấu bê tông nhựa”, ông Đông nói.
Ngoài ra, thông tin tại buổi họp báo, lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ cũng đã nhận được các phương án khác của Nhật, Đức. Giải pháp nào đảm bảo độ tin cậy cao nhất, phù hợp với điều kiện của chúng ta sẽ lựa chọn.
“Bộ Giao thông Vận tải rất trân trọng những chuyên gia Nga vì đây là nước đã tham gia xây cầu Thăng Long, đồng thời cũng tham gia xử lý mặt cầu, đảm bảo khai thác ổn định 30 năm” ông Đông nói.
Có thể bạn quan tâm
“Xóa sổ” Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương
05:00, 19/09/2018
Quỹ bảo trì đường bộ đang tạo bất công
11:05, 31/08/2018
Bộ GTVT muốn “giải tán” Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ
03:00, 15/08/2018
Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án xử lý mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng khá nặng.
Phương án 1 là sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng); khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.
Phương án 2 là chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.
Phương án 3 là cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).