Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.
Bộ GTVT muốn giải thể Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ vì hoạt động không hiệu quả.
Theo Bộ GTVT, từ khi thành lập đến nay, điều hành quản lý Quỹ bảo trì đường bộ gồm có Hội đồng quản lý Quỹ và tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ là Văn phòng Quỹ.
Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật phí, lệ phí và Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu của Quỹ bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
Toàn bộ nhu cầu chi cho Quỹ bảo trì đường bộ đều do ngân sách Nhà nước cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
09:30, 09/05/2018
09:00, 29/01/2018
“Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây. Chính vì vậy, Bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giải thể Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ sau 5 năm hoạt động”. - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng GTVT khẳng định: "Việc giải thể sẽ không ảnh hưởng gì tới điều hành quản lý Quỹ bảo trì đường bộ vì sẽ có cơ chế quản lý mới theo Luật ngân sách".
Để thay thế Hội đồng quản lý Quỹ, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao việc quản lý, sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho bộ này trực tiếp quản lý theo hướng bộ trưởng Bộ GTVT làm chủ tịch quỹ hoặc giao cho thứ trưởng làm chủ tịch quỹ, giải thể văn phòng quỹ.
Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT để giúp việc điều hành hoạt động của quỹ. Việc quản lý thu-chi của quỹ thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo Bộ GTVT, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và ban hành quyết định giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ GTVT cho biết sẽ phải đồng thời điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ.
Trước đó, tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật Giao thông đường bộ sửa đổi, thay thế luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT cho biết, năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động với số thu phí của Quỹ Bảo trì trung ương năm 2013 đạt 5.434 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4.923 tỷ đồng, năm 2015 đạt 5.750 tỷ đồng và năm 2016 là 6.388 tỷ đồng...
Theo Bộ này, Quỹ Bảo trì đường bộ trước mắt chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý, bảo trì, ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn phải cấp bù.
Cụ thể, đối với hệ thống quốc lộ, số thu của Quỹ năm 2013 đáp ứng 70%, năm 2014 đáp ứng được 45,12%, năm 2015 đáp ứng được 47,36%, năm 2016 đáp ứng được 47,8% và năm 2017 đáp ứng được 50,3%...
Tại buổi sơ kết hoạt động Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương quý I, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết nếu Chính phủ đồng ý phương án giải thể phải điều chỉnh lại Nghị định 18/2015 về tổ chức hoạt động của quỹ và quỹ khi đó sẽ vận hành theo cơ chế mới. Đối với văn phòng quỹ, bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính tham mưu, đề xuất theo hướng gộp vào Vụ Tài chính và có cơ chế vận hành phù hợp.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề xuất đối với văn phòng quỹ cần tính toán theo hướng chuyển về Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc vào Vụ Tài chính (Bộ GTVT) với chức năng nhiệm vụ khác so với hiện nay và hiệu quả hơn.