Vì sao Dana Ý phải kêu cứu Thủ tướng? Kỳ cuối: doanh nghiệp đành gánh thiệt hại?
Thông báo kết quả thanh tra được Thanh tra TP Đà Nẵng phát đi vào ngày 7/10, theo Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Chi nhánh VPLS Phạm và Liên Danh bộc lộ nhiều điểm không hợp lý.
Trong số báo 82 – ngày 12/10/2018, tiếp loạt bài “Vì sao Dana Ý phải kêu cứu Thủ tướng?”, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài “Chờ đợi phán quyết cuối cùng của chính quyền” phản ánh việc dù đã hết thời hạn theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất phương án xử lý 2 nhà máy thép trước ngày 5/10, tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn “bặt vô âm tín” khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh rất khó khăn do người dân liên tục bao vây, gây rối và cản trở hoạt động của nhà máy.
Liên quan đến câu chuyện của Nhà máy Thép Dana Ý, trả lời báo Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh kết luận thanh tra được Thanh tra thành phố Đà Nẵng phát đi vào ngày 7/10, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh khẳng định: Thông báo kết quả thanh tra bộc lộ nhiều điểm cần làm rõ hơn.
Thứ nhất, nội dung thanh tra công bố doanh nghiệp không có Giấy phép xây dựng là chưa chính xác. Vào thời điểm xây dựng nhà máy tại KCN hầu như không yêu cầu giấy phép xây dựng. Do đó, công ty mới không có cơ sở để hoàn thiện giấy phép. Vì vậy, công ty tự chịu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đối với Nhà máy Thép Dana Ý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Mặt khác, khi xây dựng nhà máy thì UBND thành phố, Ban quản lý KCN Đà Nẵng và các cơ quan liên quan đều biết. Nếu có yêu cầu về giấy phép xây dựng thì vì sao từ năm 2008 đến nay, không có bất kỳ cơ quan quản lý nào trao đổi, làm việc, hướng dẫn Công ty xin giấy phép xây dựng hoặc xử phạt hành chính về việc không có giấy phép xây dựng? Hơn nữa, đến năm 2016, Nhà máy đã được TP phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 theo Quyết định số số 3988/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 nên càng chứng tỏ nhà máy phù hợp với quy hoạch xây dựng trong cụm công nghiệp Thanh Vinh.
Nội dung thanh tra công bố doanh nghiệp không có Giấy phép xây dựng là chưa chính xác. Vào thời điểm xây dựng nhà máy tại KCN hầu như không yêu cầu giấy phép xây dựng.
Thứ hai, về điều chỉnh đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Công ty đã được thành phố thẩm định, phê duyệt ĐTM tại các Quyết định số 7207/QĐ-UBND ngày 19/9/2009, Quyết định 4005/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 và Quyết định 654/QĐ-UBND ngày 23/01/2014. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Công ty đã lập lại ĐTM và đã có công văn đề nghị thẩm định, phê duyệt vào tháng 01/2015. Ngày 12/02/2015, Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện bổ sung một số nội dung Hội đồng đã góp ý. Sau khi hiệu chỉnh nhiều lần, ĐTM được Sở TNMT thông qua và trình UBND thành phố vào tháng 7/2016. Tuy nhiên, do vướng (trở ngại khách quan) về khoảng cách an toàn và các chủ trương mới của thành phố về quy hoạch lại khu vực nên ĐTM vẫn chưa được thông qua.
Vì vậy, trong khi chờ ĐTM bổ sung, doanh nghiệp vẫn thực hiện theo ĐTM được phê duyệt tại QĐ 7207/QĐ-UBND với nội dung cơ bản đáp ứng như hiện trạng sản xuất tại công ty.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Dana Ý phải kêu cứu Thủ tướng? (Kỳ II): Chờ đợi phán quyết cuối cùng của chính quyền
07:00, 13/10/2018
Đà Nẵng: Dân lại dựng rạp vây nhà máy Thép Dana Ý.
15:41, 12/10/2018
Vì sao Dana Ý phải kêu cứu Thủ tướng? (Kỳ I)
09:15, 11/10/2018
Thứ ba, về vành đai phân cách giữa Cụm công nghiệp Thanh Vinh và Khu dân cư: thuộc về quy hoạch của thành phố. Trong giai đoạn 1 của Cụm công nghiệp Thanh Vinh, Dự án nhà máy thép của Cty Dana Ý đã được thành phố kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào Cụm công nghiệp này. Công ty Dana Ý thực hiện đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật và được thành phố cấp phép, bố trí nhà máy thép vào Cụm công nghiệp Thanh Vinh rồi mới tiến hành đầu tư sản xuất – chứ không phải hoạt động “chui”. Hơn nữa, không chỉ mình nhà máy thép Dana Ý mà thành phố còn cấp phép đầu tư thêm nhà máy thép Dana Úc vào hoạt động trong Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Như vậy, thành phố phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn quy hoạch Cụm công nghiệp này phải phù hợp với ngành luyện thép – đảm bảo cách ly tối thiếu 500m đối với khu dân cư theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4449:1987.
Thứ tư, về sỉ, chất rắn. Dana Ý đã nhiều lần gửi công văn đến thành phố đề nghị bố trí kho bãi để xử lý, vì không nhận được phản hồi nên phải tập kết tại kho bãi của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đã gửi nhiều công văn trình bày rõ và chứng minh căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm đây là chất thải không nguy hại, ở nước ngoài có thể tận dụng chất thải này làm nền đường, đổ dưới biển (Nhật). Dana Ý đã đề xuất kiến nghị thuê bãi để tập kết nhưng thành phố vẫn không trả lời.
Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng nên xem xét lại kết luận thanh tra, có phương án giải quyết dứt điểm, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.