Hạ Long: Chi Hội tàu du lịch kiến nghị tạm hoãn tổng kiểm tra

Thu Duyên 13/11/2018 07:15

Trước thông tin từ 15/11-25/12, TP. Hạ Long sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổng kiểm tra tàu du lịch, kinh doanh vận chuyển khách. Chi Hội tàu Du lịch Hạ Long kiến nghị xin tạm hoãn.

Những năm trước, việc đánh giá phân loại tàu du lịch luôn vào đầu hoặc giữa năm dương lịch, tuy nhiên, năm 2018, thành phố Hạ Long tiến hành kiểm tra vào giữa tháng 11- 25/12. Theo các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch thì điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất kinh doanh và hoạt động của tất cả các doanh nghiệp do đây là 2 tháng cao điểm của mùa du lịch trong năm, đồng thời cũng là những tháng mà doanh nghiệp nào cũng nước rút để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, đánh giá tổng kết năm, đi tiếp xúc với các khách hàng ký kết các loại hợp đồng, chuẩn bị cho mùa giáng sinh và chào mừng năm mới…

Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp này, về chất lượng và an toàn kỹ thuật của tàu trong năm 2018 cũng đã được các ban ngành quản lý (cũng là thành viên của Hội đồng đánh giá chất lượng tàu) thường xuyên kiểm tra, đánh giá. Đối với tàu vỏ gỗ, cứ mỗi năm 3 lần đăng kiểm (2 lần kiểm tra dưới nước, 1 lần trên cạn); 4 lần kiểm tra cứu hóa phòng cháy chữa cháy. Như vậy tổng mỗi năm riêng 1 tầu vỏ gỗ đã được kiểm tra chất lượng lên tới 7 lần.

Sau mỗi lần kiểm tra này, nếu phương tiện có vấn đề bắt buộc phải đem đi sửa chữa, thay thế để đáp ứng điều kiện về an toàn kỹ thuật thì tàu mới được cấp giấy đăng kiểm cho kỳ hạn mới để được phép hoạt động. Với những phương tiện đóng mới hoặc hoán cải, sửa chữa lớn hay thay đổi chủ sở hữu…đều được các cơ quan đăng kiểm kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra bất thường trước khi đưa phương tiện vào hoạt động.

Tàu vỏ gỗ, mỗi năm tối thiểu đã có 7 lần kiểm tra

Tàu du lịch vỏ gỗ tại vịnh Hạ Long, mỗi năm đã có tối thiểu...7 lần kiểm tra

Phòng Môi trường thành phố cũng đã thực hiện tổng kiểm tra, xem xét, nhắc nhở các tầu ngay từ đầu năm. Sở Du lịch cũng đã thực hiện thẩm định với tất cả các tầu khi đổi giấy phép lưu trú.

Mặt khác, theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chủ phương tiện thủy nội địa phải chấp hành: Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Thông tư 48/2015 của Bộ GTVT về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Theo văn bản số 119/KtrVB-RSHTH&HN ngày 10/3/2016 của Cục kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), mục 1.2.2 đã chỉ rõ: Quy định về phân loại tàu du lịch hàng năm và tổ chức kiểm tra phân loại tàu du lịch trong điều 10, điều 11 của Quyết định 4088 là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, trái với Luật Du lịch, Luật giá cũng như các văn bản pháp luật liên quan khác.

Do vậy, theo các chủ tàu, họ chỉ có nghĩa vụ phải chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành tại Luật Giao thông đường thủy nội địa và Thông tư 48/2015 về chất lượng phương tiện, chịu sự kiểm tra định kỳ của cơ quan đăng kiểm. Việc các cơ quan ban ngành không có chuyên ngành về thẩm định chất lượng phương tiện thủy cùng tham gia để đánh giá chất lượng tàu du lịch là không đúng với thẩm quyền và không có căn cứ pháp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Băn khoăn chủ trương đấu thầu đóng mới tàu thay thế

    Băn khoăn chủ trương đấu thầu đóng mới tàu thay thế

    11:28, 16/09/2018

  • Hạ Long – Quảng Ninh: Chủ tàu mỏi cổp/“ngóng” quy hoạch

    Hạ Long – Quảng Ninh: Chủ tàu mỏi cổ “ngóng” quy hoạch

    11:30, 09/09/2018

Trước đó, TP Hạ Long đã ra thông báo về việc sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành tổng kiểm tra tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long từ ngày 15/11-25/12/2018. Nội dung cuộc tổng kiểm tra này sẽ đánh giá về điều kiện an toàn kỹ thuật, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; bảo vệ môi trường; thẩm mỹ tiện nghi; đáp ứng theo quy định về thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu; hệ thống camera giám sát; đánh giá việc chấp hành pháp luật lao động của chủ tàu, thuyền viên; các quy định, điều kiện liên quan  khác…

Phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tìm cách liên lạc với Ban quản lý vịnh Hạ Long nhưng vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi của đơn vị này.

Thu Duyên