Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và bài toán chống buôn lậu thuốc lá
Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, sẽ khiến giá thuốc lá tăng cùng với những thách thức trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu.
Sản xuất kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 67/2013/NĐ-CP. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới... Trong nhiều năm qua, ngành thuốc lá đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng triệu lao động, hàng năm nộp ngân sách trên 18.000 tỷ đồng...
Có thể bạn quan tâm
Quyết liệt đẩy lùi thuốc lá lậu
11:52, 29/06/2018
Ồ ạt thuốc lá lậu... vì "chạy" Bộ luật Hình sự?
14:00, 19/09/2017
Hành trình 16 ngày trên xe khách chở thuốc lá lậu
11:23, 25/07/2016
Mở đợt “tấn công” thuốc lá lậu dịp Tết Nguyên đán
17:15, 24/12/2015
Tuy nhiên, trong khi sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý theo các quy định nghiêm ngặt thì nhiều năm qua, việc buôn lậu thuốc lá vẫn là một vấn nạn chưa được xử lý triệt để. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng quản lý thị trường không đủ phương tiện hiện đại đáp ứng nhiệm vụ. Về mặt chính sách cũng đang có những khe hở như trốn được tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%... mang lại lợi nhuận lớn nên đối tượng buôn lậu hết sức liều lĩnh…
Thuốc lá nhập lậu gây thất thu cho ngân sách nhà nước mỗi năm 10.000 tỷ đồng, cùng với đó thuốc lá nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không được cảnh báo về sức khỏe... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chỉ có thể tăng giảm, có thể sôi động hoặc kém sôi động trong từng giai đoạn, chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt. Và buôn lậu thuốc lá diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới: biên giới đường bộ rất dài từ phía Bắc, phía Tây Bắc giáp Lào, Tây Nam giáp Campuchia, tuyến biển.
Qua số liệu của ngành Hải quan, từ năm 2014 đến 2018, ngành Hải quan đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự có 1 vụ, số đối tượng xử lý hình sự có 18 đối tượng. Như vậy là lực lượng hải quan bắt khá nhiều, nhưng việc xử lý hình sự còn ít, trong 4 năm mới xử lý hình sự được 01 vụ.
Theo điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á qua qua khảo sát bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông…
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn ra rất tinh vi, liều lĩnh, manh động. Có thể nói đây đã trở thành vấn nạn quốc gia. Theo số liệu chúng ta có được hàng năm, lượng thuốc lá lậu qua Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.
"Để đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, cần áp dụng biện pháp đối với cả phía cầu và phía cung. Trong khi lực lượng chức năng vất vả khi thực thi nhiệm vụ bởi phương tiện, nhân lực hạn chế, thì đầu ra được bày bán gần như công khai. Nếu các cơ quan chức năng kiểm soát tốt đầu ra, tức là kiểm tra tất cả cửa hàng, chợ, hàng quán bán lẻ thuốc lá lậu, đầu ra giảm thì tự khắc đầu vào sẽ giảm". - ông Cường nói.
Ông Cường cũng đề nghị các bộ, ban, ngành đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá theo đúng Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2014 về tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá. Chỉ thị phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ ngành, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Tuy nhiên, từ khi chỉ thị có hiệu lực, năm 2015 tình hình buôn lậu có giảm, nhưng từ 2016 đến nay tại tái tăng lên, số lượng nhập lậu thậm chí cao hơn trước, tình trạng buôn lậu, bày bán công khai ở tất cả các địa phương, nhưng chưa xử lý được trường hợp người đứng đầu nào.
“Chúng tôi đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá nhưng cần có lộ trình cụ thể, để cân đối với chống buôn lậu thuốc lá. Nếu chúng ta tăng sốc thì vô tình kích cầu cho buôn lậu vì lợi nhuận buôn lậu cũng tăng lên theo tỉ lệ, vô tình thuốc hợp pháp trong nước giảm xuống, sợ rằng thu ngân sách sẽ giảm xuống"– ông Cường cho hay.