Quyết liệt đẩy lùi thuốc lá lậu

Mai Hằng 29/06/2018 11:52

Tình trạng nhập lậu, buôn bán thuốc lá lậu ngang nhiên trái phép đã làm thất thu ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, ảnh hưởng tới việc làm và đời sống của1,5 triệu lao động.

Các lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá lậu

Các lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá lậu

Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng, hàm lượng Tar, Nicotine vượt xa so với mức cho phép. Hai loại thuốc lá nhập lậu nhiều nhất hiện nay là JET và HERO có hàm lượng Tar là 19-20mg/điếu thuốc, Nicotine là 1,9mg/điếu (quy định hiện nay: Tar 12mg/đ, Nicotine 1,0mg/đ). Thuốc lá lậu do trốn thuế (Thuế TTĐB 65%, VAT 10%, thuế NK 135%, 1% Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - PCTHTL) nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc).

Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo điều tra của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

Có thể bạn quan tâm

  • Ồ ạt thuốc lá lậu... vì

    Ồ ạt thuốc lá lậu... vì "chạy" Bộ luật Hình sự?

    14:00, 19/09/2017

  • Thuốc lá lậu - tái xuất hơn tiêu hủy?

    Thuốc lá lậu - tái xuất hơn tiêu hủy?

    06:30, 23/08/2016

Trước tình hình buôn lậu thuốc lá đang ngày càng nghiêm trọng và có tác động xấu đến xã hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, buôn bán trái phép thuốc lá. Cụ thể: Thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Quyết định dừng thí điểm tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu…

Theo ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Chỉ thị 30 ra đời đã là công cụ pháp lý quan trọng, đem lại động lực to lớn cho công tác chống buôn lậu thuốc lá. Điều này thể hiện khi ngay trong năm đầu tiên ra đời Chỉ thị, với sự vào cuộc đồng loạt của các cơ quan chức năng, lượng thuốc lá lậu năm 2015 đã giảm 30% và đưa lại tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.Cũng trong năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được hơn 15 nghìn vụ, tịch thu 10,7 triệu bao, tiêu hủy được hơn 10 triệu bao thuốc lá.

Tuy nhiên, đến năm 2016 và 2017, tình hình buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu diễn biến phức tạp. Qua khảo sát thị trường của các đơn vị trong Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tại các thị trường trọng điểm như Long An, An Giang, thuốc lá lậu vẫn được vận chuyển công khai bằng xe gắn máy vào các khung giờ cố định; phương thức vận chuyển bằng xe ô tô khách, xe du lịch 7 chỗ được các lực lượng chức năng phát hiện ngày càng nhiều hơn; các đối tượng buôn lậu có sự chống trả lực lượng chức năng gây khó khăn cho công tác và thiệt hại về người và tài sản…

Thuốc lá lậu vẫn được bày bán công khai tại nhiều điểm bán hàng trên toàn quốc. Hiện nay, qua khảo sát thị trường, lượng thuốc lá lậu đã chiếm khoảng 20% thị phần thuốc lá nội địa (Khoảng 20 tỷ điếu), gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc tăng cường công tác kiểm tra bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…

Lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đề xuất cho phép sử dụng 50% Quỹ PCTHTL phục vụ các công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu, đồng thời giao cho Bộ Tài chính là cơ quan quản lý, điều tiết Quỹ này cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ. Bởi, theo quy định của Luật PCTHTL, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 01/5/2013; 1,5% từ 01/5/2016; 2% từ ngày 01/5/2019 (tính trên giá tính thuế TTĐB của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 400-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài… trong khi đó Quỹ chưa được sử  dụng  cho  hoạt động  chống buôn  lậu thuốc lá.

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/12/2012 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1.500 bao xuống 500 bao để tăng tính răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quyết liệt đẩy lùi thuốc lá lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO