Từ vỏ bọc “hàng quá cảnh”, hàng loạt container chứa thuốc lá lậu, hàng hiệu giả đã lọt qua cửa khẩu, phơi bày lỗ hổng giám sát và khoảng trống pháp lý nguy hiểm…
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ buôn lậu tinh vi bị phát hiện tại các cảng biển trọng điểm như Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), hay tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn). Đáng chú ý, hầu hết các lô hàng vi phạm đều núp bóng hình thức “quá cảnh”, tức chỉ tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam rồi xuất tiếp sang nước thứ ba.
Nhờ cơ chế này, nhiều container thuốc lá lậu, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Manchester… đã ung dung đi qua các khâu kiểm tra mà không bị chặn lại từ đầu.
Các chuyên gia pháp lý cho biết, theo quy định hiện hành, hàng quá cảnh không phải chịu thuế, không cần kiểm tra thực tế nếu đầy đủ chứng từ. Đây vốn là một chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy vai trò trung chuyển hàng hóa của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế, chính “lối mở” này lại trở thành kẽ hở nguy hiểm khi các đối tượng buôn lậu khai man tên hàng, lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp hợp pháp để lẩn tránh sự giám sát.
Điển hình như vụ việc xảy ra tại cảng Cái Mép, container khai báo vận chuyển hàng “giấy vệ sinh” quá cảnh đi UAE, nhưng khi kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa đầy thuốc lá nhập lậu. Tương tự, một container khác khai là “ghế sofa” xuất đi Israel, nhưng thực chất bên trong lại giấu hàng trăm nghìn bao thuốc lá lậu. Tất cả đều được thực hiện dưới hình thức tạm nhập – tái xuất, với hồ sơ hải quan hợp lệ, doanh nghiệp đứng tên hợp pháp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về những vụ việc này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của việc thiếu vắng cơ chế giám sát thực chất với hàng quá cảnh.
“Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế kiểm tra thực tế bắt buộc đối với hàng quá cảnh, trừ khi có dấu hiệu nghi vấn rõ ràng. Điều này tạo khoảng trống lớn cho các đối tượng buôn lậu luồn lách. Ngoài ra, việc chưa liên thông hiệu quả dữ liệu giữa các đơn vị cũng khiến khâu giám sát thiếu sức mạnh tổng hợp và dễ bị qua mặt”, bà Nhung phân tích.
Vị luật sư này cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ quy định về quá cảnh hàng hóa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang dần trở thành một “trạm trung chuyển” không chỉ của hàng hóa hợp pháp mà cả hàng cấm, hàng giả, hàng lậu. “Nếu không bịt ngay từ "cửa ngõ", chúng ta đang vô tình tiếp tay cho các đường dây xuyên quốc gia tận dụng địa bàn Việt Nam để thực hiện hành vi phạm pháp”, luật sư Nhung nói.
Bên cạnh kẽ hở trong giám sát, một vấn đề khác cũng đang đặt ra là câu chuyện trách nhiệm của các doanh nghiệp đứng tên trên tờ khai hàng quá cảnh. Trong nhiều vụ việc, doanh nghiệp khai báo hợp lệ nhưng thực tế hàng hóa chứa sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định mức độ liên quan và xử lý triệt để trách nhiệm pháp lý.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhận định, hiện pháp luật chưa quy định rõ cơ chế xử lý đối với những doanh nghiệp đứng tên nhưng không trực tiếp quản lý hàng hóa. Khi doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ khai báo giấy tờ mà không thực sự kiểm soát hàng hóa, thì việc truy cứu trách nhiệm gần như không thể thực hiện.
“Điều này có thể dẫn đến tình trạng "vô chủ" trong các vụ buôn lậu, khiến công tác điều tra bị bế tắc”, luật sư Luân nhận định.
Luật sư Nguyễn Thành Luân cho rằng, cần sửa đổi luật để xác lập chế tài đối với hành vi thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích tiếp tay hoặc tạo điều kiện cho buôn lậu. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm liên đới rõ ràng giữa chủ sở hữu hàng hóa, đơn vị vận chuyển, và pháp nhân đứng tên khai báo, thay vì chỉ dừng lại ở một mắt xích trong chuỗi logistics.
Cùng với đó, ông Luân đề xuất triển khai hệ thống kiểm soát rủi ro đa tầng. “Ngoài các yếu tố như lịch sử vi phạm, tần suất xuất nhập khẩu, nên đưa vào các chỉ số bất thường như thay đổi đột ngột về loại hàng, thay đổi điểm đến không lý do, hoặc sử dụng các cảng trung chuyển không phổ biến. Hệ thống cần tích hợp trí tuệ nhân tạo để sàng lọc và phát hiện rủi ro sớm hơn con người”, ông Luân kiến nghị.