Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ 2: Nhà máy phát điện: “Một phút huy hoàng rồi chợt tắt”

Lê Cường 22/12/2018 18:39

Nằm cách Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân vài trăm mét là Nhà máy phát điện diesel công suất 39MW với mục tiêu cung cấp điện cho Nhà máy thép.

Khi hình thành, bộ đôi này được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ “huy hoàng” cho ngành đóng tàu Việt Nam, rất tiếc ánh “huy hoàng” vừa lóe sáng đã tắt ngấm.

br class=

Những thiết bị tiền tỷ đã "mục nát" không thể hoạt động.

Bán sắt vụn cũng khó

Năm 2003, nhằm đảm bảo nguồn năng lượng cho Nhà máy thép, Vinashin quyết định lập và giao cho đơn vị con là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân thực hiện dự án Nhà máy điện Cái Lân - Vinashin, với tổng mức đầu tư gần 36 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng (vào thời điểm này), gồm 6 tổ máy, công suất 6,5 MW/tổ.

Có thể bạn quan tâm

  • Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ I: Hoang tàn Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân

    Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ I: Hoang tàn Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân

    17:06, 19/12/2018

  • Lộ diện 7 dự án treo đề xuất thu hồi tại Quảng Ninh

    Lộ diện 7 dự án treo đề xuất thu hồi tại Quảng Ninh

    08:02, 20/12/2018

Trong thời gian hoạt động ngắn ngủi, nhà máy thường xuyên hỏng hóc. Trong 6 tổ máy thì chỉ có 2 tổ hoạt động được 75% công suất, trong đó tổ M5 có thời gian chạy lâu nhất là 11.393 giờ, 4 tổ máy còn lại không thể hoạt động vì không mua được phụ tùng thay thế. Thậm chí, trong quá trình vận hành, các kỹ sư phải lần lượt lấy linh kiện, thiết bị của tổ này lắp vào tổ kia.

Nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này là do toàn bộ thiết bị chính của Nhà máy điện diesel được tháo dỡ, mua lại từ một nhà máy điện cũ sử dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc.

Điều đáng buồn, là tháng 10/2009, Nhà máy đã “tắt điện” hoàn toàn, không lâu trước khi Nhà máy thép đi vào hoạt động, cho thấy sự lãng phí và đầu tư thiếu tầm nhìn của những người đứng đầu Vinashin thời điểm đó.
Theo ông Đào Việt Phong, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, trong thời gian ngắn ngủi hoạt động, mặc dù chưa kịp cấp điện cho nhà máy thép mà chủ yếu cấp cho một số doanh nghiệp lân cận, nhưng nhà máy điện lỗ hơn 62 tỷ đồng, chủ yếu là do giá dầu nhập vào quá cao, trong khi giá điện thời đó thì không đủ bù lỗ.

  Chưa có các báo cáo về thiệt hại của nhà máy điện nhưng để thanh lý đống tài sản này quả là một điều không thể thực hiện. Chưa kể đến các thiết bị máy móc được cho là thuộc vào “hàng cổ” từ thế kỷ trước... 

Cũng theo ông Phong, những năm qua nhà máy này đã từng chào giá bán nguyên khối nhưng không ai mua, còn bán sắt vụn cũng không xong vì vướng nhiều thủ tục quy định của nhà nước. Thời gian cứ thế trôi qua, đến nay nhiều thiết bị đã hỏng hẳn không thể hoạt động.

Không thể khắc phục hậu quả?

Có mặt tại Nhà máy điện diesel, phóng viên không khỏi xót xa trước khói tài sản nghìn tỷ đang bị gỉ sét, hư hỏng, cỏ lau phủ kín xung quanh, không khác gì một khu nhà hoang. Chưa có các báo cáo về thiệt hại của Nhà máy điện nhưng để thanh lý đống tài sản này quả là một điều không thể thực hiện. Chưa kể đến các thiết bị máy móc được cho là thuộc vào “hàng cổ” từ thế kỷ trước và được nắng mưa bảo quản trong suốt những năm qua.

Ông Phong cho biết, các đoàn công tác của Bộ GTVT đến đây tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cũng thưa dần, mặc cho khối tài sản nghìn tỷ rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát.

Ngoài sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, thì điều đáng nói, là Vinashine đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đầu tư Nhà máy Điện chỉ để đảm bảo sự ổn định điện năng cho Nhà máy Cán thép, trong khi điện lưới quốc gia khu vực này hoàn toàn có thể đáp ứng và giá điện lại thấp hơn nhiều so với giá điện do Nhà máy Điện diesel sản xuất ra.

Nguyên Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân (chủ đầu tư – thành viên của Vinashin) Tô Nghiêm là 1 trong 9 bị cáo trong Đại án Vinashin, bị tuyên 18 năm tù với tội danh lợi dụng chức vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản nhà nước.

Những người chịu trách nhiệm đã và đang phải trả giá. Nhưng câu hỏi về việc khắc phục đống sắt thép hàng nghìn tỉ đồng suốt những năm qua vẫn chưa có lời giải, và nó vẫn đang hao mòn “chờ ngóng” một giải pháp từ các nhà quản lý.

Lê Cường