Còn nhiều ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Theo Công Thương 09/04/2019 16:36

Đó là ghi nhận tại hội nghị khu vực phía Bắc lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 9/4/2019 tại Hà Nội.

Đến nay, dự thảo luật này đã qua 5 lần chỉnh lý bổ sung qua một loạt các hội thảo và dự kiến sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 33 vào ngày 12/4/2019. Tuy nhiên, một số nội dung cơ bản của dự án luật liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, chính sách của Nhà nước trong phòng chống tác hại của rượu, bia và các hành vi bị nghiêm cấm vẫn còn đang trong quá trình thảo luận.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam hiện đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác. "Thiệt hại mang lại hơn rất nhiều so với một số lợi ích do rượu, bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm”, đại diện Bộ Y tế - cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo Dự án Luật nêu quan điểm.

Kiểm soát rượu thủ công là nội dung quan trọng của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia

Kiểm soát rượu thủ công là nội dung quan trọng của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia

Trong khi đó bà Trần Đỗ Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), cho biết, giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng về lượng tiêu thụ rượu bia được dự đoán ở mức 6%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2001-2015 với mức 2 con số.

Bà Quyên lý giải, sở dĩ có mức giảm này là do chính sách hạn chế tiêu thụ bia, rượu và chất kích thích của Chính phủ cùng mối lo ngại của người dân. Trên thực tế ngành sản xuất bia rượu ở Việt Nam giữ vai trò quan trọng với phát triển kinh tế xã hội trong việc giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 200.000 người và hàng triệu lao động gián tiếp, hàng năm đóng góp từ 45.000-50.000 tỷ đồng cho ngân sách.

Một trong những vấn đề nan giải nhất trong quản lý bia rượu ở Việt Nam liên quan đến rượu thủ công. Theo đó, khoảng 270 triệu lít rượu thủ công không đăng ký vẫn đưa ra bán trên thị trường. Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia còn cho phép người dân tự nấu rượu. Trong khi đó, cả 3 nghị định của Chính phủ về kinh doanh rượu trước đây đều không kiểm soát được rượu thủ công. Gần đây nhất Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ mới chỉ điều chỉnh đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Do vậy, việc kiểm soát sản lượng đối với sản phẩm này chưa được thực hiện dẫn đến nguy cơ gây các tác hại không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM muốn tăng thuế rượu bia: Chuyên gia nói gì?

    TP HCM muốn tăng thuế rượu bia: Chuyên gia nói gì?

    10:36, 06/04/2019

  • Doanh nghiệp rượu, bia thấp thỏm với quy định cấm quảng cáo, tài trợ

    Doanh nghiệp rượu, bia thấp thỏm với quy định cấm quảng cáo, tài trợ

    08:52, 08/03/2019

Trong khi đó, một nghiên cứu độc lập được công bố tại hội nghị cho thấy, cấm sản xuất rượu tự nấu không phải là giải pháp hiệu quả, không phù hợp với định hướng phát triển tích cực của các làng nghề truyền thống. Vấn đề là cần một chiến lược toàn điện giáo dục người tiêu dùng về đồ uống không được kiểm soát và thay đổi thái độ cũng như nhận thức sử dụng rượu bia và rượu tự nấu.

Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông và tiết kiệm được hơn 6 tỷ USD chi phí khắc phục hậu quả. Trong khi đó Việt Nam hiện còn một khoảng trống rất lớn liên quan đến các quy định mang tính phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của rượu bia.

Dự kiến nếu được xem xét thông qua thì Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Công Thương