Kinh doanh đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều hệ lụy xấu

Xuân Đào 11/04/2019 01:52

Từ vụ việc nhóm 5 nhân viên của Công ty Hưng Thịnh (trụ sở TP HCM) đòi nợ thuê ở Quảng Ninh bị con nợ đánh bầm dập cho thấy loại hình kinh doanh đòi nợ thuê hiện nay đang phát sinh nhiều hệ lụy xấu.

Nhân viên Công ty Hưng Thịnh đi đòi nợ thuê bị đánh bầm dập

Nhân viên Công ty Hưng Thịnh đi đòi nợ thuê bị đánh bầm dập

Về vấn đề này phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận thực tế ý kiến của người dân về dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê. Theo đó nhiều người dân được hỏi đều cho rằng kinh doanh đòi nợ thuê hiện nay đang bành trướng và phát sinh nhiều hệ lụy xấu. Một trong số đó là sự bất ổn về an ninh trật tự, hình thành các tổ chức tín dụng đen…

Cụ thể, ông N.T.D (quận 3, TP HCM) cho rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập DN đòi nợ thuê trên cả nước kéo theo nhiều hệ lụy là tình hình an ninh trật tự trở nên lộn xộn, người dân mất niềm tin... Các DN đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen như bắt bớ, đánh đập, nhục mạ, ném bom xăng, sơn, mắm tôm… vào nhà con nợ nhưng không ra mặt, câu kết với xã hội đen bắt con nợ phải ký nợ những khoản tiền tăng cả trăm lần so với khoản nợ. Họ làm phiền cha mẹ, anh chị em, kể cả người thân con nợ ở nước ngoài...

Từ đó, ông D kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê. Cần thực hiện công tác tổng kết 10 năm kể từ khi những DN này được phép hoạt động để đánh giá nó hiệu quả hay chỉ kéo theo những hệ lụy đau lòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vi phạm quản lý đất đai tại Sóc Sơn: Thượng tôn pháp luật ở đâu?

    Vi phạm quản lý đất đai tại Sóc Sơn: Thượng tôn pháp luật ở đâu?

    03:03, 10/04/2019

  • Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật

    Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật

    00:00, 21/03/2019

  • Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Trường không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật

    Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Trường không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật

    16:24, 19/03/2019

  • Sắp có tủ sách pháp luật điện tử quốc gia

    Sắp có tủ sách pháp luật điện tử quốc gia

    00:00, 19/03/2019

Liên quan đến loại hình kinh doanh đòi nợ thuê, trước đó UBND TP HCM có kiến nghị gửi Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Về vấn đề này UBND TP HCM cho biết lý do đưa ra kiến nghị trên là vì "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, VKS, thi hành án...

Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… sẽ có thẩm quyền thi hành. Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê.

Trường hợp không thể cấm, TP HCM đề nghị trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.

Ngoài ra, cần thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ để tránh tình trạng không đòi trực tiếp con nợ mà qua thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân…

Theo UBND TP HCM hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê hiện nay có nhiều biến tướng và một số vụ có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, quan hệ nợ là giao dịch dân sự đã có tòa án giải quyết nên UBND TP HCM kiến nghị cấm hẳn kinh doanh loại hình này.

Thống kê của UBND TP HCM, đến cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố đã có 65 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, chỉ có 44 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ngoài ra, có đến 21 doanh nghiệp hoạt động “chui”, tức chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP. Qua xác minh thực tế, những cơ sở này không trưng bảng hiệu kinh doanh và không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký kinh doanh.

(còn tiếp)

Xuân Đào