Nếu chỉ buông một câu "do buông lỏng quản lý dẫn đến các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD)" thì thật nhẹ nhàng.
Bởi mức độ vi phạm TTXD đã trở thành phổ biến tại nhiều xã, huyện, quận của TP Hà Nội, khi cơ quan Thanh tra "sờ tới". Đặc biệt nhìn từ những vi phạm nghiêm trọng tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) buộc Chính phủ phải có chỉ đạo.
Theo kết luận được Thanh tra TP Hà Nội công bố mới đây đối với đất rừng Sóc Sơn, UBND 7 xã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong diện tích đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, như mua bán chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất thuộc quy hoạch rừng.
Có thể bạn quan tâm
04:01, 30/04/2018
12:15, 19/04/2018
13:59, 07/04/2018
Theo Thanh tra TP Hà Nội, Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cùng UBND huyện Sóc Sơn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai và TTXD.
Thanh tra TP Hà Nội kết luận, để xảy ra sai phạm trên thuộc trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đất đai và cán bộ địa chính xã; Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, TTXD (giai đoạn từ 2008 đến nay). Để xảy ra sai phạm trên còn có trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng, trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra về trật tự xây dựng và trách nhiệm Sở TN&MT trong công tác quản lý nhà nước về đất đai (từ 2008 đến nay).
Có thể thấy, sai phạm trở thành một hệ thống từ cấp thành phố xuống tới xã phường. Điều này cũng được Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận tại phiên giải trình HĐND TP Hà Nội ngày 25/3/2019. Theo đó, TP có 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về giải quyết các công trình vi phạm TTXD tồn đọng nhiều năm.
Nếu chỉ tính riêng huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP đã chỉ ra có tới 659 công trình vi phạm TTXD trên đất lâm nghiệp không tổ chức xử lý. Những vi phạm đã kéo dài trên 10 năm và diễn ra ở hầu khắp các xã thuộc huyện Sóc Sơn nên thật khó lòng đổ lỗi cho người dân. Rõ ràng ai cũng có thể nhận thấy trách nhiệm đầu tiên là từ cơ quan quản lý. Bởi nếu những vi phạm chỉ ở một vài cá nhân nhỏ lẻ, ở những khu vực hẻo lánh thì không đáng phải lưu tâm nhiều, nhưng ở đây là cả một vùng thì làm sao các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, sở ngành lại không hay biết?
Tính thượng tôn pháp luật bị coi nhẹ còn thể hiện ở việc mặc dù đã có chỉ đạo từ Chính phủ, Thanh tra TP có kết luận, nhưng các biệt thự, Homestay vẫn đón khách bình thường khi có người hỏi thuê.
Theo các quy định về quản lý TTXD, rất nhiều công trình vi phạm TTXD sẽ phải phá bỏ. Cá nhân, tổ chức có các công trình vi phạm sẽ phải chịu những thiệt hại là điều chắc chắn. Vậy còn, những người buông lỏng quản lý hay "làm ngơ" trước các sai phạm trên, gây ra thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức thì sẽ ra sao? Câu chuyện về tính thượng tôn pháp luật nằm chính ở trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức gây ra những thiệt hại nói trên, bởi vì suy cho cùng đây cũng là thiệt hại cho nền kinh tế, cho xã hội.