Dự án mỏ sắt Thạch Khê 10 năm “tiến thoái lưỡng nan”
Nếu dừng dự án, chủ đầu tư có thể sẽ mất trắng hơn 1.800 tỷ đồng đã bỏ ra. Nhưng nếu tiếp tục dự án, lời giải cho những thách thức về môi trường và hiệu quả kinh tế vẫn chưa rõ ràng.
Tròn 10 năm kể từ khi khởi công dự án, mỏ quặng sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh hiện vẫn là một khu đất bỏ không. Không công trình xây dựng, không bóng dáng những người công nhân và cũng chẳng có khối lượng quặng nào được đào lên từ lòng đất.
Tranh luận bỏ hay giữ
Trái những kỳ vọng về hiệu quả của một khu mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, có trữ lượng ước khoảng 544 triệu tấn, một thập kỷ trước, một cuộc tranh luận giữ việc tiếp tục triển khai dự án hay dừng hẳn lại đang diễn ra gay gắt giữa chủ đầu tư, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia môi trường và cả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Nếu triển khai dự án này theo những tài liệu, báo cáo kinh tế kỹ thuật đánh giá môi trường hiện có, rõ ràng là chưa đủ cơ sở để chúng ta có thể tin cậy, kể cả hiệu quả kinh tế, môi trường” ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói.
Ảnh hưởng tới môi trường là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường cảnh báo nhất. Đặc biệt sau thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra tại chính Hà Tĩnh 4 năm về trước. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho dừng dự án do lo ngại môi trường sống địa phương sẽ bị hủy hoại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, trong một bản báo cáo cũng cho rằng nếu xử lý đầy đủ các vấn đề liên quan đến môi trường thì dự án sắt Thạch Khê là không hiệu quả.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả tổng hợp, rà soát đánh giá của các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho thấy dự án khó đảm bảo đủ các điều kiện khả thi về kỹ thuật - an toàn, hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững môi trường để tiếp tục triển khai thực hiện, nhất là khai thác mỏ mở mức sâu từ -145m đến – 550m so với mực nước biển.
Trái những kỳ vọng về hiệu quả của một khu mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, một thập kỷ trước, một cuộc tranh luận giữ việc tiếp tục triển khai dự án hay dừng hẳn lại đang diễn ra gay gắt...
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của chính quyền địa phương, Bộ Công Thương và chủ đầu tư lại cho rằng dự án vẫn hoàn toàn khả thi. “Với tư cách là chủ đầu tư, chúng tôi khẳng định rằng dự án này hoàn toàn khả thi,” ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê quả quyết.
Nhưng nếu khả thi và có hiệu quả kinh tế cao, tại sao các cổ đông của chính Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê, gồm 9 cổ đông là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và công ty tư nhân, lại trì hoãn đóng góp vốn điều lệ trong nhiều năm. Tính tới cuối năm 2013, các cổ đông mới góp hơn 1.300 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong khi đó, số vốn điều lệ quy định là 2.400 tỷ đồng. Thiếu vốn đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện dự án thời gian đầu. Và từ năm 2013 tới nay dự án cũng đã dừng mọi hoạt động. Năm 2015, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê có tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế nhằm huy động vốn, nhưng không có bất cứ thông tin nào về việc công ty này đã nhận thêm khoản đầu tư mới.
Ai chịu trách nhiệm?
Có lẽ lý do khiến chủ đầu tư kiên quyết theo đuổi dự án, bất chấp sự phản đối mãnh liệt, là không muốn mất trắng số tiền hơn 1.800 tỷ đồng đã đổ vào mỏ Thạch Khê. Trong khi khẳng định dự án khả thi, chủ đầu tư lại chưa đưa ra được lời giải cho bài toán huy động vốn, cho dù là đủ vốn điều lệ của công ty. Đồng thời cũng chưa có một bài toán rõ.
Có thể bạn quan tâm
Báo động đỏ ô nhiễm khai thác mỏ
05:30, 03/06/2018
“Bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu trước khi nhận giấy phép”
06:30, 26/11/2018
Khai thác khoáng sản trái phép “nóng” tại phiên chất vấn của HĐND Khánh Hòa
16:46, 19/07/2018
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đặt câu hỏi: “Người ta cũng đã đầu tư cho đến nay khoảng hơn 1800 tỷ, phải nghĩ tới việc nếu không làm thì như thế nào? Ai chịu trách nhiệm về việc này?”.
Đúng như ông Hải hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại nếu dự án bị dừng và số tiền đầu tư đã chi ra bị mất trắng? Đặc biệt trong trường hợp thua lỗ, hai cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (52%) và Tổng công ty Thép Việt Nam (20%) sẽ chịu thiệt hại lớn nhất. Cũng có nghĩa là sẽ thất thoát vốn Nhà nước.
Mặc dù vậy, nếu tiếp tục triển khai và không có biện pháp ngăn chặn tác động xấu đến môi trường, thì hậu quả có thể sẽ còn nặng nề hơn. Hoặc nếu như bài toán hiệu quả đầu tư không được giải quyết, khoản thua lỗ có thể sẽ còn lớn hơn. Đến lúc đó, câu hỏi ai chịu trách nhiệm có lẽ sẽ càng khó trả lời.