Đó là đề xuất của VCCI tại góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 4061/BTNMT-ĐCKS ngày 30/07/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Có thể bạn quan tâm
16:46, 19/07/2018
07:20, 02/12/2017
08:50, 21/09/2017
Theo đó, Nghị định 203 hiện nay quy định thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản rất sớm. Đối với các doanh nghiệp xin phép mới thì phải nộp tiền lần đầu trước khi nhận giấy phép và phải nộp lần cuối trước khi kết thúc một nửa thời gian giấy phép. Quy định này ảnh hưởng rất tiêu cực đến dòng tiền của các dự án khoáng sản nói riêng, và đến toàn bộ ngành khai khoáng nói chung.
Đặc điểm của ngành công nghiệp khai khoáng là trong giai đoạn đầu các doanh nghiệp phải tốn chi phí lớn để thăm dò, đầu tư xây dựng mỏ, mua sắm thiết bị. Trong khi đó sản lượng khai thác lúc đầu thường thấp, không ổn định. Đối với các dự án lớn, khoảng thời gian từ lúc có giấy phép cho đến lúc khai thác ổn định có thể mất từ 3-5 năm, thậm chí kéo dài hơn. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của mọi dự án khoáng sản, mang tính quyết định không chỉ về mặt tài chính mà còn cả về công nghệ, môi trường và tính bền vững của dự án.
Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán rất kỹ để vượt qua giai đoạn “giáp hạt” này. Giả sử, một doanh nghiệp có thể huy động được 1000 tỷ đồng để đầu tư một dự án khoáng sản và dự tính chi số tiền này cho việc mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng công trình mỏ, xây dựng nhà máy chế biến và chi trả các chi phí thường xuyên trong vài năm đầu, khi chưa có doanh thu. Nếu Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải nộp một nghĩa vụ tài chính quá lớn, ví dụ 200 tỷ trước khi doanh nghiệp có doanh thu, thì họ sẽ chỉ còn 800 tỷ để đầu tư.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, hoặc sẽ phải tìm cách xây dựng công trình mỏ một cách chắp vá, hoặc thậm chí sẽ phải hoãn xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản. Điều này kéo theo hệ quả xấu như ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động, giảm cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, hệ số thu hồi khoáng sản thấp, gây lãng phí tài nguyên… Những tác động này đi ngược lại chủ trương, mục tiêu tại Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
VCCI hiểu rằng, cơ quan soạn thảo muốn quy định thu tiền sớm nhằm giảm rủi ro cho ngân sách, tránh trường hợp doanh nghiệp khai thác khoáng sản trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền. Tuy nhiên, nếu đối chiếu sang các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường… đều yêu cầu doanh nghiệp nộp sau khi có doanh thu thì cũng không có hiện tượng doanh nghiệp trốn tránh.
Dự thảo hiện nay cũng đã tìm cách giãn nghĩa vụ nộp tiền trong giai đoạn đầu của dự án. Ví dụ, Điều 11.1 giảm những trường hợp phải nộp tiền một lần; Điều 11.2.d giảm số tiền phải nộp lần đầu; Điều 11.3 lùi thời điểm của mỗi lần nộp tiền 90 ngày so với Nghị định 203. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa giải quyết được tác động bất hợp lý của quy định hiện tại về dòng tiền của các dự án khoáng sản.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh thời điểm thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp hơn với dòng tiền của các dự án khoáng sản, cụ thể như sau:
Bỏ quy định phải thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu trước khi nhận giấy phép khai thác;
Doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền lần đầu vào năm tiếp theo sau khi bắt đầu có doanh thu từ việc bán khoáng sản (lấy theo hoá đơn GTGT);
Số tiền nộp mỗi năm bằng tổng số tiền cấp quyền chia đều cho số năm tính từ thời điểm có doanh thu cho đến hết thời hạn khai thác ghi trên giấy phép.
Thêm vào đó, điều 11c.3 của dự thảo quy định doanh nghiệp sẽ bị truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi “Phát sinh mục đích sử dụng khoáng sản khác, cùng với khoáng sản chính, khi có nhu cầu thị trường, nhằm sử dụng triệt để, hiệu quả tài nguyên khoáng sản”. Quy định này được hiểu là nhằm thu các nghĩa vụ tài chính về cho Nhà nước khi doanh nghiệp có nguồn thu từ khoáng sản phụ.
Tuy nhiên, quy định này có thể gây tác động tiêu cực bởi các doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm chi phí khi bán khoáng sản phụ, khiến họ không muốn tận dụng khoáng sản phụ nữa mà thải loại chúng, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa gây tác động môi trường. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ quy định này.