Chợ đầu mối Hải Phòng: Bát nháo quy hoạch
Trong quy hoạch, Hải Phòng có 5 chợ đầu mối nhưng thực tế có rất nhiều chợ đầu mối tự phát. Nhiều chợ đầu mối “thật” lại im lìm. Xem ra quy hoạch chợ đầu mối Hải Phòng chưa sát với thực tế.
Quy hoạch 1 đằng, mọc 1 nẻo
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020 của Hải Phòng, toàn thành phố dự kiến có 151 chợ, trong đó có 9 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, 117 chợ hạng 3 và 5 chợ đầu mối: chợ đầu mối rau quả tại quận Hồng Bàng; chợ đầu mối thuỷ sản tại Cát Bà, huyện Cát Hải; chợ đầu mối thuỷ sản tại huyện đảo Bạch Long Vĩ; 2 chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại các huyện An Lão và Kiến Thụy.
Tuy nhiện thực tế tại nhiều địa phương, chợ cóc, chợ tạm mọc lên nhan nhản giữa trung tâm dân cư. Thậm chí, nhiều khu chợ trở thành chợ đầu mối rau củ, hải sản sầm uất, tấp nập người mua kẻ bán. Các chợ cóc, chợ tạm này đều mọc tự phát, hàng hóa bày tràn lan ngay trên mặt đường, không đảm bảo vệ sinh.
Theo đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện An Dương, hiện nay trên địa bàn huyện có 9 chợ trong quy hoạch nhưng lại “mọc” thêm vô số chợ cóc, chợ tạm như: Minh Kha, Bạch Mai (xã Đồng Thái); Bắc Hà (xã Bắc Sơn); Hạ Đỗ (xã Hồng Phong), chợ rau An Hòa (xã An Hòa),…Từ năm 2013 đến nay, đã có 6 chợ trong quy hoạch được đầu tư, nâng cấp khu vực bán hàng tươi sống. Các chợ còn lại đa số là nhà khung mái lợp tôn chưa được xây dựng kiên cố, nguồn thu phí hàng năm không đủ đáp ứng việc nâng cấp, cải tạo. Do phong tục tập quán chợ nông thôn chỉ họp nửa ngày, lại họp từ đêm tới sáng sớm nên địa phương rất khó trong việc dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm.
Chợ rau An Hòa là địa điểm tập trung đông tiểu thương buôn bán rau củ tại huyện An Dương, được coi như một chợ đầu mối của huyện. Chợ họp ngay ven đường lớn, kéo dài 600-700m với gần 70 hộ kinh doanh, xây dựng ki-ốt kiên cố. Thực tế, đây chỉ là một khu chợ tự phát bởi cách đó không xa, chợ Ngọ Dương – 1 trong 9 khu chợ quy hoạch chính thức lại không được tiểu thương quan tâm. Dù huyện An Dương đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng đâu lại vào đó, bởi theo cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết, chợ tự phát mọc ra do nhu cầu mua bán của người dân, “dẹp ở chỗ này lại phình ra ở chỗ khác” vì vậy rất khó để quản lý và di chuyển về địa điểm theo quy hoạch.
Cách chợ rau An Hòa không xa, ngay khu vực chân cầu Rế (thị trấn An Dương) vẫn đang tồn tại chợ đêm tự phát nhiều năm nay, chuyên trung chuyển hoa quả cho nội thành Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Ông Đỗ Văn Mai – Chủ tịch UBND thị trấn An Dương cho biết: Do quỹ đất hạn hẹp vì vậy địa phương rất khó để tìm địa điểm mới. Về lâu dài, địa phương chưa xác định được hướng giải quyết hợp lí nhất. Tạm thời, vẫn duy trì chợ dưới sự quản lý của địa phương, giao ban quản lý chợ đảm bảo an ninh trật tự và giữ vệ sinh sạch sẽ. Thời gian họp chợ cũng bị giới hạn tới 7h sáng để đảm bảo giao thông trên tuyến đường thông suốt.
Chợ hạng 3 thành chợ đầu mối
Khu vực ngoại thành thì chợ cóc, chợ tạm hoạt động sôi nổi, còn trong nội thành, nhiều chợ hạng 3 nay “biến hình” thành chợ đầu mối. Đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với nhu cầu sử dụng khiến cho các khu chợ này trở nên bát nháo, tiềm ẩn nguy cơ cung cấp thực phẩm bẩn rất lớn nếu không có biện pháp kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Đột phá trong đối thoại doanh nghiệp
16:56, 12/04/2019
Hải Phòng: Đột phá “bất ngờ” trong đối thoại doanh nghiệp
00:31, 12/04/2019
Liên doanh thép “triệu đô” tan vỡ vì “sổ đỏ”: Hải Phòng đổ trách nhiệm?
11:31, 10/04/2019
Chợ rau đêm nằm trên đoạn đường từ nhà máy nước An Dương đến đường Lán Bè (phường Lam Sơn, quận Lê Chân) là mô hình chợ cóc, chợ tạm được thành phố di chuyển từ ngã tư An Dương từ năm 2002. Từ lâu nơi đây đã trở thành nơi bức xúc của người dân xung quanh về trật tự an toàn giao thông đô thị, vệ sinh môi trường. Dù được công nhận là chợ loại III do UBND phường Lam Sơn quản lý nhưng cơ sở vật chất ở đây vô cùng hạn chế, không được đầu tư các điều kiện cần thiết để họp chợ. Chợ loại III nhưng hiện nay chợ này không khác gì chợ đầu mối rau củ quả, thực phẩm lớn với hơn 65 hộ kinh doanh thường xuyên và gần 120 tiểu thương không cố định (kinh doanh lưu động, buôn bán vỉa hè). Đáng chú ý, chợ rau đêm không được đầu tư xây dựng bất kì cơ sở hạ tầng nào. Thực phẩm bày la liệt dưới lòng đường, trên vỉa hè, sắp xếp chỗ ngồi thì lộn xộn. Không có chỗ gửi xe vì vậy thường xuyên gây tắc nghẽn giao thông.
Ông Hoàng Minh Tiệp – PCT UBND phường Lam Sơn cho biết: Nhân dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với phường, quận quy hoạch chợ đêm thành chợ đầu mối nhưng còn nhiều bất cập. Dù được thành phố quy hoạch nhưng vị trí chợ lại nằm ngay chân cầu, ngay đường lớn Tôn Đức Thắng vì vậy gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, cân bằng giữa quy định của thành phố về đảm bảo an ninh trật tự và đời sống dân sinh. Phường đã nhiều lần kiến nghị di chuyển đến địa điểm mới nhưng do quỹ đất có hạn nên chưa thể quy hoạch.
Làm việc với Sở Công Thương Hải Phòng - cơ quan quản lý và phát triển mạng lưới chợ Hải Phòng, đại diện đơn vị đã lên tiếng về vấn đề này. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin tới bạn đọc vào kì sau.
Kì 2: Cơ quan quản lí lên tiếng