Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ: Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
Việc ban hành chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được đánh giá sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Các hướng dẫn tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (Thông tư 132) hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ có hiệu lực từ ngày 15/2/2019 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/4/2019 được đánh giá là đơn giản, dễ áp dụng, rõ ràng, minh bạch.
ÔngTrịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, ở nước ta doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm số lượng rất lớn, đặc điểm các doanh nghiệp này là số lượng lao động ít, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế nên chính sách quy định cho các doanh nghiệp này trong đó có chế độ sổ sách kế toán, báo cáo tài chính cũng như bộ máy kế toán cần đơn giản, gọn nhẹ để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Cú hích cho sự phát triển của 5 triệu hộ kinh doanh
16:30, 07/04/2019
Hộ kinh doanh cần được “cất cánh”
19:30, 04/04/2019
Luật sư Trương Thanh Đức: Không còn lí do để cho tồn tại hộ kinh doanh
09:18, 04/04/2019
Từ thực tế này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ tập trung nguồn lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trên cơ sở nhiệm vụ được giao quy định tại Điều 23 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và ban hành chế độ kế toán theo hướng rất đơn giản, áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ được quy định tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019.
Theo ông Vinh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, có ít giao dịch, khi áp dụng Thông tư 132 có thể nắm bắt được một số thông tin tài chính chủ yếu và quan trọng hơn là vẫn theo dõi đầy đủ thông tin để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Bên cạnh đó, về cơ bản chế độ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ ban hành tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC đã thực sự đơn giản tối đa.
Việc ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC được đánh giá sẽ là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, việc ban hành chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ông Vinh cho biết.
Thông tư 132 được xây dựng theo hướng rất đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo cho các doanh nghiệp siêu nhỏ phản ánh và xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách nhà nước. Việc này được thể hiện qua các nội dung tại phần quy định chung và hướng dẫn cụ thể cho 2 đối tượng áp dụng, bao gồm: Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế (doanh thu trừ chi phí) và doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên tỷ lệ doanh thu.
Cụ thể: Quy định áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu trừ chi phí, bao gồm các nội dung về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính. Phần tài khoản kế toán áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ còn có 7 tài khoản kế toán so với 49 tài khoản kế toán quy định tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa và so với 76 tài khoản kế toán tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
Quy định áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên tỷ lệ doanh thu, nêu rõ về phương pháp kế toán không quy định tài khoản kế toán mà chỉ hướng dẫn đơn vị ghi đơn trên sổ kế toán; không quy định báo cáo tài chính mà chỉ quy đơn vị lập báo cáo theo quy định của pháp luật về thuế....
Đề cập tới tổ chức bộ máy kế toán của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại Thông tư 132, các chuyên gia cho rằng, việc không quy định bắt buộc kế toán trưởng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp, cụ thể là chi phí nhân viên, đồng thời phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay ở Việt Nam. Bởi, nếu trong một doanh nghiệp siêu nhỏ mà lại bố trí nhân sự chỉ làm kế toán, sẽ không hiệu quả, thậm chí là lãng phí.