Chợ đầu mối Hải Phòng (Kì II): Quy hoạch khó đủ đường

Minh Hương - Thu Hà 08/05/2019 16:25

Là đơn vị quản lý chuyên ngành mạng lưới chợ nhưng Sở Công Thương Hải Phòng vẫn không thể “dẹp loạn” chợ tạm, chợ cóc phát sinh do…phong tục tập quán của người dân.

“Phép vua thua lệ làng”

Từ năm 2013, Hải Phòng đã trình Bộ Công Thương đề án quy hoạch, phát triển mạng lưới chợ, trong đó có 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên do chưa có kinh phí nên việc triển khai đầu tư xây dựng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo đại diện Sở Công Thương Hải Phòng, nếu theo quy hoạch, trên địa bàn thành phố có 5 chợ đầu mối được quy hoạch và xây mới, tuy nhiên tính đến hết năm 2018 mới chỉ có 1 chợ đầu mối do Công ty TNHH Phương Nghĩa làm chủ đầu tư xây dựng tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng với quy mô diện tích 3,85ha. Còn lại hầu hết các chợ mà người dân coi là chợ đầu mối hiện nay đều không đủ tiêu chuẩn, điều kiện của một chợ đầu mối được quy hoạch.

Do sự hình thành và phát triển chợ từ trước tới nay phần lớn mang tính tự phát nên việc phân bổ mạng lưới chợ chưa hợp lý; phân bổ không đều giữa các vùng khác nhau, có địa phương số lượng rất nhiều, có địa phương ít. Chính vì vậy đã dẫn tới tình trạng chợ tạm, chợ cóc phát sinh ồ ạt, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại nhiều địa phương.

Chợ đầu mối nông sản Sở Dầu

Chợ đầu mối nông sản Sở Dầu là chợ đầu mối duy nhất của Hải Phòng tính đến thời điểm hiện tại

Hiện nay, Sở Công Thương là cơ quan giúp UBND thành phố Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành đối với mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, công tác quản lý của Sở gặp không ít khó khăn. Theo bà Phạm Thị Thanh Hà – Phòng Quản lý thương mại, hầu hết các chợ cóc, chợ tạm mọc lên do phong tục tập quán, thói quen “tiện đâu mua đó” của người dân.

Về phía quản lý nhà nước chuyên ngành, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về chợ. Nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng họp chợ dưới lòng đường, vỉa hè, gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông. Có giải pháp xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm không trong quy hoạch trên địa bàn.

Tuy nhiên có thực tế, nhiều chợ đầu tư xây dựng kiên cố, trang thiết bị đảm bảo họp chợ, hộ kinh doanh tiểu thương không có nhu cầu vào họp mà thích bán dọc các tuyến đường trên phạm vi đường giao thông công cộng, do tâm lý người tiêu dùng mua nhanh, mua tiện khi đi qua. UBND các địa phương thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng mở các đợt cao điểm dẹp tình trạng kinh doanh, họp chợ tại lòng đường, vỉa hè, thế nhưng hoạt động của các chợ tự phát chỉ tạm lắng xuống sau đợt cao điểm ra quân của lực lượng chức năng.

Có thể bạn quan tâm

  • HICT Hải Phòng:p/Liên tục đón tàu “khủng”

    HICT Hải Phòng: Liên tục đón tàu “khủng”

    11:46, 07/05/2019

  • Chất lượng nước không đảm bảo tại Kiến Thụy (Hải Phòng): Dân khổ, doanh nghiệp cũng trăm bề

    Chất lượng nước không đảm bảo tại Kiến Thụy (Hải Phòng): Dân khổ, doanh nghiệp cũng trăm bề

    04:16, 07/05/2019

  • Hải Phòng: Dành 20% quỹ đất trong khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân

    Hải Phòng: Dành 20% quỹ đất trong khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân

    01:30, 06/05/2019

Cũng theo bà Hà, không chỉ khó khăn trong công tác quản lý thực tế tại địa phương mà các văn bản hướng dẫn của Bộ ngành liên quan cũng chưa kịp thời bám sát. Việc quy hoạch mạng lưới chợ kinh doanh buôn bán đã có Nghị định 02 của Chính phủ ban hành từ năm 2003 nhưng hiện có nhiều bất cập khiến các địa phương không thể thực hiện được. Đặc biệt khó khăn trong công tác chuyển đổi mô hình chợ; không có nguồn vốn đầu tư, xây dựng cải tạo chợ đã quy hoạch; chưa có sự phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan.

“Nghị định của Chính phủ nhưng các Bộ ngành ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời. Bộ Công Thương chỉ có 2 thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính ban hành 1 văn bản còn các Bộ ban ngành khác hầu như không có văn bản hướng dẫn nên rất khó thực hiện”, bà Hà cho biết thêm.

Khó chuyển đổi mô hình

Để khắc phục tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát sinh tràn lan cũng như thúc đẩy kinh doanh thương mại theo mô hình chợ truyền thống phát triển, nhiều biện pháp quản lý đã được đưa ra. Trong đó có biện pháp chuyển đổi mô hình chợ sang tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý.

Chợ Đông Hải 2 nhiều năm nay bị

Chợ Đông Hải 2 nhiều năm nay bị "bỏ hoang"

Với chủ trương thu hút, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố, đến nay, Hải Phòng có 12 chợ do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng như chợ đầu mối rau quả do Công ty TNHH Phương Nghĩa làm chủ đầu tư, chợ Quán Toan do Công ty Cổ phần Long Sơn làm chủ đầu tư, chợ Cầu Vồng do Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng Thịnh đầu tư xây dựng, chợ thị trấn Vĩnh Bảo do Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Hải Phòng làm chủ đầu tư, chợ Đại Hà do Công ty TNHH TMDV Tiền Thảo đầu tư xây dựng, chợ Đại Hợp do Công ty cổ phần Phi Long đầu tư xây dựng…

Theo Sở Công Thương, mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ là chủ trương lớn của Chính phủ, các Bộ ngành và thành phố Hải Phòng trong việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ. Từ đó thu hút các nguồn lực, đặc biệt là vốn đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thương nhân khác cùng với nhà nước đầu tư, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn thành phố. Giúp phân biệt và tách chức năng trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác các chợ ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của UBND các địa phương, góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Tuy nhiên việc chuyển đổi các chợ trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn còn chậm triển khai thực hiện.

Đại diện phòng Quản lý thương mại cho biết, công tác chuyển đổi mô hình chợ sang hình thức xã hội hóa hiện nay không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt ở các chợ nông thôn. Trong khi đó ở nội thành, dù hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất hơn nhưng các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Đơn cử như chợ Con của quận Lê Chân, cách đây vài năm có kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi nhưng các tiểu thương kinh doanh trong chợ không đồng ý tư nhân quản lý với sợ mức phí tăng cao. Hoặc có những doanh nghiệp bỏ hàng tỷ đồng xây chợ nhưng cuối cùng phải “lép vế” chợ cóc. Điển hình như mô hình chợ Đông Hải 2 thuộc quận Hải An.

Chợ Đông Hải 2 được giao cho Công ty CP đầu tư phát triển Hướng Minh xây dựng và hoàn thành trên diện tích rộng 5000 m2 với 300 kiot rộng rãi, đạt tiêu chuẩn với số tiền đầu tư gần 10 tỷ đồng. Dù đã hoàn thành hàng chục năm nay nhưng chợ này vẫn “nằm im lìm”, không có nổi chục tiểu thương buôn bán. Trong khi cách đó 1 km, chợ cóc hoạt động sôi nổi và ngày ngày chính quyền địa phương vẫn phải đi “dẹp loạn”, dùng đủ biện pháp vận động người dân vào kinh doanh tại chợ Đông Hải 2.

Có thể thấy, việc quy hoạch chợ tại Hải Phòng hiện nay còn rất nhiều gian nan. Để mô hình chợ thực sự phát triển theo xu hướng văn minh hiện đại cần có sự đồng hành của chính quyền và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng. Hơn hết, các địa phương cần phải có những biện pháp xử lý kiên quyết, giải tỏa các hộ kinh doanh tại chợ cóc, chợ tạm đang phát sinh hiện nay.

Minh Hương - Thu Hà