Các giải pháp đồng bộ trong việc quản lý các doanh nghiệp FDI
Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI trốn đóng BHXH đã gây ra những hậu quả khôn lường… Vậy, giải pháp quản lý nào đối với loại hình doanh nghiệp này để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động?
Cần có cơ chế kiểm soát nghiêm các doanh nghiệp FDI
Còn nhớ, vào chiều ngày 28 tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi họp giữa lãnh đạo các bộ, ngành và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng với Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), cùng các chính sách ưu đãi thuế, tài chính với khối doanh nghiệp này.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm rõ các cơ chế tài chính mà chủ yếu là thuế để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực; xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI “vốn mỏng nhưng tay không bắt giặc”, đầu tư núp bóng...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi sử dụng đất cần xác định qua các thời kỳ khác nhau, không thể áp dụng như cũ. Tính toán thu hút FDI trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và tính toán áp dụng các giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Những vướng mắc trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
15:50, 15/04/2019
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động khốn khổ
11:05, 20/12/2018
Giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội: Đồng bộ nhiều giải pháp
05:10, 25/11/2018
Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi linh hoạt hơn, kể cả biện pháp phi tài chính để thu hút các dự án lớn quan trọng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cầ chú trọng hoàn thiện chính sách về sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, nâng cao hiệu suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu tư và bảo đảm nhu cầu phát triển đô thị, xã hội.
Mặc dù chúng ta cần có các cơ chế để thu hút FDI, tuy nhiên để tránh nguy cơ chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần thống kê và xử lý 2 loại doanh nghiệp: Thứ nhất là các doanh nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư rồi nhưng để lâu không triển khai, gây ra tình trạng lãng phí đất đai. Thứ hai là những doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, nợ thuế cần công bố công khai để giải quyết kịp thời, không nên để tồn đọng như hiện nay. Do quy định một năm không thanh tra quá một lần với doanh nghiệp nên rất cần sự phát hiện, phản ánh thông tin từ các tổ chức xã hội, đoàn thể về tình trạng doanh nghiệp FDI…
Có thể thấy, việc chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn là do các cơ quan quản lý (Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế…) không theo sát hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, về dài hạn việc thu hút FDI cần có chọn lọc, có phân loại, xem xét đến lịch sử nhà đầu tư. Các địa phương cần giao ban, đánh giá về hoạt động đầu tư nước ngoài, nhằm giám sát chặt các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Việc kiểm soát, đánh giá cần tiến hành 3 tháng một lần để kịp thời kiểm soát những doanh nghiệp có nguy cơ chủ bỏ trốn; song đòi hỏi sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm từ các địa phương…
Những giải pháp quản lý khối doanh nghiệp FDI
Khi nói về về giải pháp quản lý doanh nghiệp FDI, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, câu chuyện chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên các cơ quan chức năng đã rất lúng túng trong việc giải quyết hậu quả.
Mỗi lần như vậy, các cơ quan chức năng lại họp bàn nhưng không tìm ra biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề, dẫn đến cơ chế giải quyết đều tự phát như trích ngân sách để trả lương cho người lao động, hay vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển lao động tại doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, khoanh tài sản doanh nghiệp để xử lý theo Luật Phá sản... Tuy nhiên, “nếu doanh nghiệp đi thuê tài sản thì coi như thua!”- ông Huân nhấn mạnh.
Theo ông Huân, việc để chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn là do công tác quản lý còn lỏng lẻo. Vì vậy, cần phải có một quy định rõ ràng về việc thế nào là doanh nghiệp FDI bỏ trốn, tức lãnh đạo rời Công ty bao nhiêu ngày, tình trạng hoạt động kinh doanh thế nào. Khi đã xác định được tình trạng bỏ trốn thì cơ quan chức năng phải có quy trình xử lý như thế nào, địa phương làm gì, Trung ương làm gì, cơ chế ứng tiền ngân sách thực hiện như thế nào?...
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay các quy định pháp luật liên quan tới lao động đã đầy đủ. Bộ luật Lao động có quy định doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động đầy đủ, đúng ngày. Nếu người lao động thấy bị nợ lương thì phải phản ánh tới Công đoàn cơ sở.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định rõ ràng về việc cấp sổ BHXH và người lao động giữ sổ của mình. Khi người lao động phát hiện doanh nghiệp không đóng BHXH thì phải thông báo cho công đoàn cơ sở. “Thế nhưng, việc giám sát lại hết sức lỏng lẻo”- ông Diệp thẳng thắn cho biết.
Nói về vấn đề này, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Văn phòng Luật Tín Nghĩa chỉ rõ, việc Công đoàn đại diện cho người lao động đứng ra kiện doanh nghiệp FDI là đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng, vấn đề ở chỗ, để có thể đòi được quyền lợi sau phán quyết của Tòa án lại là một câu chuyện không đơn giản. Theo Luật sư Lễ, quy trình thành lập doanh nghiệp khá chặt chẽ, nhưng “lỗ hổng” lại nằm ở cách thức quản lý và kiểm soát doanh nghiệp, từ thuế quan, khai báo tài chính cho đến sử dụng lao động chưa chặt chẽ.
Luật sư Lễ đã dẫn Điều 9 Luật Đầu tư 2014, do loại hình doanh nghiệp này được hưởng nhiều ưu đãi, nên không ít chủ doanh nghiệp đã bình thản trước những đợt kiểm tra liên ngành. Do đó, theo Luật sư Lẽ, Bộ luật Lao động cần phải có quy trình nghiêm ngặt hơn trong quản lý, sử dụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra “sức khỏe” của các nhà đầu tư nước ngoài hàng quý hoặc theo định kỳ, nhằm phát hiện các sai phạm để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan như Hải quan, Tài chính, Lao động, thương binh và xã hội, Công an cần chủ động kết nối thông tin, phối hợp liên tịch để quản lý doanh nghiệp FDI, bởi đối với những doanh nghiệp này thì việc “xuất cảnh, nhập cảnh” người, hàng hóa và tiền tệ là chuyện diễn ra thường xuyên.