4 kiến nghị của VTA chống buôn lậu thuốc lá
Chỉ thị 30/CT-Ttg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân, đấu tranh mạnh mẽ với vấn nạn buôn bán thuốc lá nhập lậu.
Việc buôn bán thuốc lá lậu có những thời điểm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, những năm gần đây tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt và buôn lậu thuốc lá diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới đường bộ, từ phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam đến tuyến biển.
So với các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu tại các tỉnh địa bàn phía Nam, nhất là tuyến biên giới Tây Nam như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, TP. HCM… vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp. Các nhãn hiệu thuốc lá lậu phổ biến xuất hiện trên tuyến này gồm: Jet, Hero, Scott, 555, Caraven “A”, Cowboy, Original, Ram…
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), trên thị trường hiện có khoảng 33 nhãn hiệu thuốc lá ngoại nhập lậu, trong đó 93% sản lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được bán ở thị trường phía Nam, từ Quảng Bình trở vào và 75% sản lượng tiêu thuốc lá ngoại là 2 nhãn hiệu Jet và Hero. Tại TP HCM thuốc lá ngoại nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần...
Có thể bạn quan tâm
6 năm bắt giữ 84.000 vụ thuốc lá nhập lậu
11:01, 20/06/2019
Phương án xử lý 6 triệu bao thuốc lá nhập lậu thế nào?
04:50, 18/03/2019
Thuốc lá lậu chưa bao giờ hết "nóng" tại vùng biên
09:30, 06/05/2019
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và bài toán chống buôn lậu thuốc lá
05:22, 15/11/2018
Ông Đặng Xuân Phương - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, ngành Thuốc lá Việt Nam chịu rất nhiều thách thức từ thuốc lá nhập lậu, bình quân sản lượng tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lên đến trên 700 triệu bao mỗi năm, đặc biệt thị phần thuốc lá nhập lậu có năm ước tính lên đến 25% thị trường, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng Tar, Nicotine vượt mức cho phép nhiều lần, có chứa một số chất độc hại bị cấm sử dụng… gây nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá, đồng thời tiếp tục tăng thu cho Ngân sách nhà nước, đóng góp vào việc giảm thiểu tác hại của thuốc lá, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị: Trước hết, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP cho phù hợp với hoạt động của ngành, tập trung quản lý sản lượng tiêu thụ trong nước, bỏ các quy định về quản lý năng lực máy móc thiết bị, vừa thực hiện được mục tiêu kiểm soát việc tiêu thụ thuốc lá, vừa tiết kiệm được nguồn lực của các doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh với thuốc lá nhập lậu.
Thứ hai, không thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hình thức thuế suất hỗn hợp (kết hợp thuế suất theo tỷ lệ % và thuế suất tuyệt đối) đối với sản phẩm thuốc lá.
Thứ ba, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét dừng thực hiện Quỹ Phòng, chống tác hại của Thuốc lá. Hoặc, nếu tiếp tục thì giao cho Bộ Tài chính quản lý, điều phối theo đúng chức năng nhiệm vụ và trích 50% Quỹ hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu và cho phép Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam – tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp đóng Quỹ - được làm thành viên Ban Quản lý Quỹ góp phần minh bạch hóa hoạt động của Quỹ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán Thuốc lá nhập lậu từ biên giới đến cửa hàng bán lẻ, xử lý nghiêm các vụ buôn bán, vận chuyển số lượng lớn, đặc biệt đối với các đầu nậu chủ mưu, quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước tuyệt đối không sử dụng thuốc lá nhập lậu, sử dụng thuốc lá nhập lậu là tiếp tay cho buôn lậu.