Kể từ khi Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg có hiệu lực, các địa phương chưa tổ chức bán đấu giá để tái xuất và tiêu hủy được lô thuốc lá tịch thu nào.
Lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ cho đến hiện nay tồn trên 6 triệu bao chưa được xử lý.
Đây là vấn đề được Bộ Tài chính cho biết trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Theo Bộ Tài chính, ngày 26/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.
Qua một thời gian triển khai thực hiện, Bộ Tài chính cho rằng, lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ cho đến hiện nay chưa được xử lý bởi một số những vướng mắc phát sinh như: khó khăn về định giá thuốc lá nhập lậu, xác định chất lượng thuốc lá nhập lậu, khó khăn về kinh phí tiêu hủy, khó khăn về kinh phí hỗ trợ các lực lượng chức năng và công tác chỉ đạo điều hành.
Có thể bạn quan tâm
11:52, 29/06/2018
14:00, 19/09/2017
Đặc biệt là khó khăn trong việc xác định tổ chức giám định. Có ý kiến cho rằng có thể trưng cầu giám định tại Viện thuốc lá, Viện khoa học hình sự - Bộ Công an. Tuy nhiên không khả thi vì lý do, để xử lý việc phân tích, kiểm nghiệm chất lượng 1 mẫu hàng mất rất nhiều thời gian, trong khi quá trình bắt giữ thường xuyên, liên tục, nhiều mẫu mã, chủng loại. Việc mời cơ quan có thẩm quyền đánh giá chất lượng tới địa bàn tỉnh rất khó khăn, chi phí thuê cơ quan chuyên môn có thẩm quyền rất cao…
Bên cạnh đó, Quyết định 20/2018/QĐ-TTg tạm ngưng hiệu lực của Quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu dẫn tới việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy theo Thông tư 19/2015/TT-BTC (có căn cứ ban hành theo Quyết định 2371/QĐ-TTg) không thực hiện được nữa. Hiện tại số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ còn tồn đọng số lượng lớn (hơn 2 triệu bao) mà không có phương án xử lý.
Thực tế hiện nay, lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu chủ yếu tập trung tại khu vực biên giới Tây Nam, giáp với Campuchia, chủ yếu là nhãn hiệu JET và HERO, chiếm trên tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu ban hành kèm theo Thông tư 23/2015/TT-BYT, các loại thuốc lá nhập lậu nêu trên đều không phù hợp với Quy chuẩn.
Do vậy, nếu thực hiện theo Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg thì các lô hàng bị tịch thu bán đấu giá để tái xuất chỉ được xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không; không được xuất qua cửa khẩu đường bộ sẽ khó có khả năng thực hiện được (do các loại thuốc JET và HERO chủ yếu được sản xuất để phục vụ người dân Campuchia và các tỉnh Miền Tây của Việt Nam, việc xuất khẩu nếu có thực hiện được thì chỉ xuất đi Campuchia).
Trên cơ sở những vướng mắc từ thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg, Bộ Tài chính nhận định. Bộ Tài chính cũng đề xuất 02 phương án.
Phương án 1, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg; tiếp tục thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định 2371/QĐ-TTg. Phương án này sẽ giải quyết triệt để vấn đề thuốc lá lậu qua biên giới cũng như tuân thủ yêu cầu về tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu tại Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định 2371/QĐ-TTg, Thông tư 19/2015/TT-BTC, giải quyết được số lượng thuốc lá còn tồn đọng tại các địa phương. Tuy nhiên, nhược điểm được Bộ đưa ra là có thể lãng phí trong trường hợp các lô hàng bắt giữ còn chất lượng có trị giá lớn, có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.
Phương án 2 là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg theo hướng giao quyền chủ động trong việc lựa chọn phương án tiêu hủy hoặc bán đấu giá để xuất khẩu cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu.
Phương án này sẽ đáp ứng được việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy thuốc lá đối với các địa phương có số lượng thuốc lá tịch thu ít, nhỏ lẻ. Đồng thời, tạo điều kiện cho một số địa phương có số lượng thuốc lá bị xử lý tịch thu lớn như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Quảng Trị xem xét tình hình thực tế, giá trị lô hàng bắt giữ để đề xuất việc tái xuất ra nước ngoài nếu có đối tác thu mua.
Bên cạnh đó, tái xuất thuốc lá còn chất lượng bị tịch thu sẽ thu được một số tiền, tránh lãng phí của cải xã hội, trong khi đó tiêu hủy sẽ mất đi một lượng của cải xã hội và phải chi thêm một khoản tiền để thực hiện tiêu hủy.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này đó là việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu có thể bị một số nước tham gia Công ước khung và Tổ chức Y tế thế giới sẽ phản đối việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.