Nhà đầu tư vào Nghệ An gặp khó vì thủ tục, cơ chế (Kỳ II): Doanh nghiệp “mắc cạn”
Với những ưu ái mà tỉnh Nghệ An đã cam kết, nhà đầu tư phần nào yên tâm khi tập trung “kéo” các cổ đông lớn về địa phương xây dựng dự án.
Tuy nhiên, mọi việc không được “thuận buồm, xuôi gió” như dự kiến ban đầu khiến doanh nghiệp phải loay hoay, bế tắc trước cách giải quyết thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.
“Đem con bỏ chợ”
Dự án xây dựng trường Đại học Công nghiệp Vinh do Cty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung làm chủ đầu tư được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 vào năm 2012 với quy mô 4.02ha tại khối 2, phường Vinh Tân, TP Vinh.
Đại diện Cty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung cũng cho biết, theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An về việc “xén” hơn 30 nghìn m2 đất thuộc dự án xây dựng trường Đại học Công nghiệp Vinh để nhường lại cho Cty TNHH EM – TECH Việt Nam tại Nghệ An (nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử), đơn vị đã đồng ý. Chính vì việc này nên quy hoạch xây dựng trường Đại học Công nghiệp Vinh đã được phê duyệt sẽ bị thay đổi về diện tích, hạng mục công trình…
Tuy nhiên, từ tháng 9/2018, Cty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung đã gửi hồ sơ, văn bản xin điều chỉnh quy hoạch dự án tới các Sở, ban, ngành nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Động thái này của tỉnh Nghệ An chẳng khác nào “bẫy” doanh nghiệp vào thế khó.
Chính vì vậy, các hạng mục dự án xây dựng trường Đại học Công nghiệp Vinh vẫn phải “treo” vì các cơ quan có thẩm quyền ở Nghệ An không có động thái chấp thuận cho chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế đất đai.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngoài ra, chính quyền chậm giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc huy động vốn, thu hút các cổ đông tập trung đầu tư triển khai xây dựng Đại học Công nghiệp Vinh tại phường Vinh Tân, TP Vinh như kế hoạch đặt ra.
Có thể bạn quan tâm
Nhà đầu tư vào Nghệ An gặp khó vì thủ tục, cơ chế
14:02, 01/08/2019
Trên 13 nghìn tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Nghệ An
19:37, 10/03/2018
Nghệ An: Mục tiêu 20.000 doanh nghiệp vào năm 2020 có khả thi?
09:05, 30/07/2019
Nhà đầu tư dài cổ chờ… chính quyền
Được biết, trường Đại học Công nghiệp Vinh được hình thành, đầu tư phát triển do nhiều cổ đông góp vốn xây dựng gồm: Ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT IUV, Vinaceglass, CER; Ông Hà Văn Hải – Chủ tịch Tập đoàn BĐS Hà Quang; Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT Ngân hành Bưu điện Liên Việt…
Mặt khác, hiện nay địa phương đang nợ trường Đại học Công nghiệp Vinh số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng 8.742.011.828 đồng nhưng lại được UBND tỉnh Nghệ An hoàn trả bằng hình thức ghi thu NSNN tiền thuê đất và ghi chi NSNN tiền bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện GPMB theo quy định. Trước cách làm này, đại diện chủ đầu tư cho rằng không có giá trị đối với nhà trường vì tại nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn khẳng định thuế đất đầu tư cho phát triển giáo dục đã được miễn.
Để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn Nghệ An theo thỏa thuận cam kết trước đó, dại diện các cổ đông lớn của trường đã gửi văn bản đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư vẫn không nhận được phải hồi chính thức bằng văn bản của UBND tỉnh Nghệ An về việc sắp xếp thời gian cụ thể để đại diện 2 bên cùng trực tiếp làm việc với nhau.
Trong khi đó, việc chậm trễ giải quyết chấp thuận điều chỉnh quy hoạch xây dựng Đại học Công nghiệp Vinh (Khu C) tại phường Vinh Tân, TP Vinh khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi hợp tác cung cấp nguồn nhân lực với đối tác nước ngoài.
“Hiện nay, trường Đại học Công nghiệp Vinh đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn FAJ của Nhật Bản, đây là Tập đoàn cung ứng lao động lớn thứ 3 của Nhật Bản. Nhà trường phải xây dựng khu lập nghiệp, thực hành cho sinh viên, đáo ứng các tiêu chuẩn của Tập đoàn FAJ. Do đó, trường Đại học Công nghiệp Vinh đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, các Sở ban ngành liên quan sớm cho phép nhà trường điều chỉnh quy hoạch khu đất còn lại có diện tích: 9.723,4m2 để xây dựng khu thực hành và lập nghiệp cho sinh viên” – Công văn ngày 19/6/2019 của trường Đại học Công nghiệp Vinh tiếp tục “kêu cứu” lên UBND tỉnh Nghệ An nêu.
Tuy nhiên, mọi việc không được “thuận buồm, xuôi gió” như thỏa thuận hợp tác ban đầu đã ký kết với UBND tỉnh Nghệ An khiến doanh nghiệp phải loay hoay, bế tắc trước cách giải quyết khó hiểu của chính quyền địa phương.
Kỳ III: Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói gì?