Xe có phép “lép vế” trước “xe trăm nghìn” (Kỳ II): Cơ quan chức năng “bó tay”?

Trung Thành – Thu Hà 22/08/2019 11:10

Dù không trụ sở, không kê khai đăng ký, không nộp thuế... thế nhưng các cơ quan chức năng lại lúng túng với việc quản lý và xử lý loại hình “xe trăm nghìn”.

Như DĐDN đã phản ánh, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hàng trăm xe tự do hoạt động rầm rộ, công khai với giá vé chỉ 100 nghìn đồng/người (gọi là "xe trăm nghìn") cho tuyến Hải Dương - Hà Nội và ngược lại. Điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hành khách truyền thống được cấp phép và đóng thuế đầy đủ.

Sự xuất hiện của

Sự xuất hiện của "xe trăm nghìn" khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao

Cơ quan chức năng loay hoay

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Dương đã vào cuộc xử lý vấn nạn “xe trăm nghìn” ngay từ khi loại hình vận tải này mới xuất hiện trên địa bàn nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Các xe kinh doanh vận tải hành khách phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phù hiệu. Thế nhưng, hoạt động dưới vỏ bọc là xe gia đình nên “xe trăm nghìn” không cần đăng ký kinh doanh vận tải. Mặc dù biết chắc chắn đó là “xe trăm nghìn” nhưng lực lượng chức năng không có bằng chứng để chứng minh được họ đang kinh doanh và những người trên xe là khách, cũng không có chứng cứ lái xe thu tiền của khách nên không xử lý được.

Theo thượng tá Hoàng Tiến Nam – Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay cơ quan chức năng rất vướng mắc xử lý đối với loại hình “xe trăm nghìn” này. Đây là loại xe gia đình, đăng ký sở hữu tư nhân, khi các xe này lưu thông, lực lượng chức năng rất khó xác định được có phải là “xe trăm nghìn” hay không nên rất khó xử lý. “Điều mấu chốt là rất khó quản lý được loại hình xe này, vì để xác định được xe nào là “xe trăm nghìn” thì phải quản lý được Đăng ký, Đăng kiểm, Giấy phép kinh doanh của họ, quản lý từ gốc mới được. Bên cạnh đó tôi nghĩ các đơn vị kinh doanh vận tải khi kiến nghị nên đưa ra giải pháp kèm theo, rồi kiến nghị để các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. Khi họ kinh doanh về lĩnh vực này sẽ có kinh nghiệm hơn. Tiếp theo chúng tôi sẽ phải ngồi lại cùng các bên kể cả các đơn vị kinh doanh vận tải để tìm ra giải pháp cụ thể và thiết thực nhất” – thượng tá Nam cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Xe có phép “lép vế” trước “xe trăm nghìn” (Kỳ I): “Xe trăm nghìn” đại náo

    Xe có phép “lép vế” trước “xe trăm nghìn” (Kỳ I): “Xe trăm nghìn” đại náo

    18:01, 15/08/2019

  • Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý kiến nghị về tình trạng

    Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý kiến nghị về tình trạng "xe dù, bến cóc"

    06:30, 03/08/2019

  • Hải Phòng: Xử lý “xe dù bến cóc” như “bắt cóc bỏ đĩa”

    Hải Phòng: Xử lý “xe dù bến cóc” như “bắt cóc bỏ đĩa”

    04:50, 11/07/2019

Hỗn loạn thị trường vận tải

Sự xuất hiện của loại hình "xe trăm nghìn" đã làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách. Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Rồng Vàng (hãng taxi Rồng Vàng): “Từ khi “xe trăm nghìn” xuất hiện, các chuyến đường dài Hải Dương – Hà Nội và ngược lại của hãng này gần như mất hết. Bị cạnh tranh bởi "xe trăm nghìn", doanh thu của chúng tôi giảm khoảng 70% mỗi tháng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng về sự canh tranh thiếu lành mạnh này nhưng vẫn chưa được xử lý".

Nhan nhản quảng cáo dịch vụ

Nhan nhản quảng cáo dịch vụ "xe trăm nghìn" tại Hải Dương

Hiện, trên địa bàn Hải Dương có khoảng hơn 300 “xe trăm nghìn” của khoảng 20 “nhà xe”. Nếu so sánh với 1 xe taxi truyền thống, đội quân “xe trăm nghìn” mỗi năm làm thất thoát nguồn thu của tỉnh Hải Dương gần chục tỷ đồng. Theo ông Vũ Thái Dương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương: "Biết rõ các xe đó đang kinh doanh vận tải nhưng hiện cơ quan thuế không thể yêu cầu chủ xe thực hiện nghĩa vụ thuế vì họ không có ràng buộc gì về pháp lý. Trong khi các đơn vị vận tải khác đăng ký kinh doanh với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về vận tải đang được quản lý chặt chẽ thì loại xe này lại hoạt động tự do. Đề nghị các đơn vị chức năng sớm tìm ra biện pháp quản lý loại hình vận tải hành khách này cho phù hợp".

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Quý Tiệp - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết, trước mắt để đảm bảo trật tự an toàn, giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã ký Quy chế phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương. Mục đích nhằm thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trong công tác đảm bảo TTATGT tránh chồng chéo, trùng lặp. Cả 2 đơn vị thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên có trọng tâm, trọng điểm, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến TTATGT.

Trung Thành – Thu Hà