Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Vẫn là “cuộc chiến” dai dẳng
Rất khó có thể khẳng định thời điểm “cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ kết thúc.
Vì đến nay, cuộc chiến ấy vẫn tiếp diễn khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vô lý, trái luật thực sự không đơn giản như nhiều người nghĩ. Quyết tâm chính trị từ lãnh đạo thì không thiếu, nhưng những hành động tương đương với quyết tâm ấy lại không nhiều. Hôm 21/8, 14 Bộ, nhiều chuyên gia, cơ quan phản biện độc lập đã mất cả một buổi sáng tại Văn phòng Chính phủ chỉ để thống nhất với nhau rằng: “vẫn còn nợ đọng văn bản và việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cần phải thực chất hơn”. Nhưng sự thống nhất này dường như chưa cụ thể khi vẫn còn đó những điều kiện kinh doanh theo kiểu chung chung, khó thực hiện và trở thành kẽ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực chưa được điểm mặt đặt tên một cách dứt khoát.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất
Đại diện 14 Bộ dường như vẫn nặng về báo cáo thành tích và “chống chế” hơn là đề ra được một chương trình, kế hoạch cụ thể. Thực ra, ai cũng biết rằng, cắt giảm được một điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vô lý thì người dân và doanh nghiệp sẽ “dễ thở” đến thế nào. Những báo cáo mà 14 Bộ ấy trình bày có điểm chung rằng: khi một điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành được cắt giảm thì cũng đồng nghĩa với việc tiền bạc, thời gian của người dân, doanh nghiệp được tiết kiệm, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cũng có nghĩa là, cơ hội kinh doanh sẽ được tận dụng tốt hơn.
Có những Bộ báo cáo rằng: việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của họ đã tiết kiệm được hàng triệu ngày công, tương đương với hàng nghìn tỷ đồng. Vậy mà không hiểu tại sao cho đến nay, dù lợi ích mang lại cho cả nền kinh tế là rất rõ như vậy mà cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn mãi là một… cuộc chiến khiến cho nhiều bên phải đau khổ, đoạn trường. Bước đường kinh doanh của doanh nghiệp ngoài việc “chiến đấu” trên thương trường thì còn phải dành khá nhiều nguồn lực “chiến đấu” với những điều kiện kinh doanh vô lý.
Thì vẫn có những kết quả được ngợi ca, vẫn có những con số được đôn lên như một thành tích. Nhưng những khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hay Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn hiển hiện một sự thật rằng: doanh nghiệp, người dân vẫn phải gặp rắc rối với biết bao nhiêu thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Hệ quả là ngay cả chi phí ngầm, chi phí cơ hội dù có dấu hiệu giảm đi vẫn ngốn của doanh nghiệp và người dân những nguồn lực mà lẽ ra nếu được dành cho phát triển sẽ đưa đất nước này đến những thành tựu thật sự.
Vẫn còn tư duy “chọn cho” thay vì “chọn bỏ”
Cứ như một quán tính, có Bộ còn cho rằng nếu cắt giảm điều kiện kinh doanh thì có thể xã hội sẽ không được cung cấp những dịch vụ tốt. Có lẽ cơ quan này quên mất rằng: quy luật cạnh tranh và sự chọn lọc của thị trường sẽ mang đến cho người dân những dịch vụ tốt như các nước phát triển vẫn làm. Vẫn có những tư duy cũ kỹ khi cho rằng: nếu cắt giảm điều kiện kinh doanh thì thị trường sẽ loạn, nước ngoài sẽ vào chiếm lĩnh thị trường. Có lẽ cơ quan này đã quên mất rằng: khi các điều kiện kinh doanh bị giảm đi thì đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được tăng lên, đồng nghĩa với việc sức khỏe của nền kinh tế sẽ bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Cắt giảm điều kiện kinh doanh... chưa có chuyển biến rõ rệt
16:30, 12/06/2019
Rà soát kỹ điều kiện kinh doanh ô tô vận tải, Grab sẽ "có mào"?
06:45, 07/06/2019
Lại lo... cắt giảm điều kiện kinh doanh
06:16, 21/05/2019
Qúa trình cắt giảm điều kiện kinh doanh… đang chững lại
15:05, 19/04/2019
Kinh doanh thực phẩm, môi giới nhà đất... sẽ thoát điều kiện kinh doanh
16:56, 09/04/2019
Đương nhiên, bảo vệ người tiêu dùng, duy trì trật tự, đạo đức xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng là một mục tiêu chung. Nhưng sự thật là người tiêu dùng chỉ được bảo vệ khi các điều kiện kinh doanh không làm cho doanh nghiệp suy yếu. Trật tự, đạo đức xã hội chỉ được duy trì và nâng cao khi điều kiện kinh doanh không làm mất đi tính cạnh tranh và tạo ra sự độc quyền cho những sân sau, bình phong hoặc lợi ích nhóm. Điều kiện kinh doanh chỉ có thể góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng khi nó thực sự nhắm vào lợi ích chung là sự lớn mạnh của doanh nghiệp, sự bình đẳng của thị trường và được triển khai nghiêm minh.
Tăng cường quản lý nhà nước là điều cần thiết, nhưng nó không thể là lý do để kìm hãm sự phát triển bằng cách đặt ra các điều kiện kinh doanh tù mù khiến doanh nghiệp và người dân không thể tiên lượng. Tăng cường quản lý nhà nước là cần thiết nhưng đây không phải là lý do để bao biện cho việc không cắt giảm, không công khai phương án cắt giảm hoặc để những dữ liệu doanh nghiệp thuộc ngành mình nằm riêng ở một ốc đảo, không cho vào hệ thống chung của quốc gia.
Đã đành, rủi ro của thị trường, của sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng và quốc gia là không thể không tránh. Nhưng nếu dùng lý do này để ban hành những điều kiện kinh doanh đánh cả vào cộng đồng doanh nghiệp là điều không thể chấp nhận. Đây đó vẫn cố gắng níu giữ tư duy “chọn cho” thay vì “chọn bỏ”.
Trong khi đó, “quyền anh quyền tôi” vẫn là một thực tế trong xây dựng không chỉ chính sách kinh doanh.
Xét cho đến cùng, vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh vô lý không thể tùy nghi, nhưng cũng không thể để nó dai dẳng khiến cho những cuộc họp về vấn đề này không đi đến tận cùng bản chất. Phải có một quyết sách cắt giảm điều kiện kinh doanh dựa vào những tiêu chí cụ thể như đã chỉ ra chứ không phải chỉ căn cứ vào số lượng như được tiến hành thời gian qua.