Nhiều chuyên gia khẳng định, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại đang chững lại và xuất hiện nhiều rào cản mới.
Có thể bạn quan tâm
16:56, 09/04/2019
00:00, 26/03/2019
06:16, 08/03/2019
00:00, 25/02/2019
Xuất hiện rào cản mới
Nhận định về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của bộ ngành ở thời điểm hiện tại bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp hiện chưa có bước tiến mới nào so với thời điểm cuối năm 2018.
“Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành đã chững lại dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo rất quyết liệt”, bà Thảo nói.
Đáng chú ý, bà Thảo cho hay, trong khi một số điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì rào cản mới lại xuất hiện.
“Tôi ví dụ như Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…”, bà Thảo nói.
Nhìn vào chất lượng các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của các đơn vị gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, theo dõi, bà Thảo nhận xét: Các báo cáo đều chú trọng báo cáo thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm các rào cản kinh doanh. Thậm chí, một số báo cáo nội dung có tính chất “báo cáo cho có”. Một số ít bộ tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
“Tuy nhiên, việc triển khai nội dung này còn chậm so với kế hoạch đặt ra”, bà Thảo nhấn mạnh.
Về tình hình và kết quả cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, ngay trong Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trình Phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, Bộ KH&ĐT đánh giá, nhìn chung trong quý I/2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. “Nghị quyết số 02 nhấn mạnh, trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong quý I/2019, nhiệm vụ này chưa có thêm chuyển biến nào được ghi nhận”, báo cáo nêu.
Chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển
Dù thừa nhận rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam trong 2 năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi nhưng sự thay đổi này, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương… vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu phát triển.
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã định ra được một “đường ray” và vấn đề hiện nay là cần tăng tốc, liên tục. Nếu không tăng tốc, không kiên trì cải cách thì nền kinh tế sẽ không thể phát triển cũng như khơi dậy được những động lực tăng trưởng mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.
Để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh yêu cầu vào cuộc quyết liệt, sát sao của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 02.
“Các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt. Cùng với đó, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa…”, ông Cung nói.