Chính trị

07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 18/05/2025 11:28

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế,… Nghị quyết 66-NQ/TW xác định 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

nq66-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn chia sẻ tại Hội nghị

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Việc ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

Về mặt thực tiễn, Nghị quyết xuất phát từ yêu cầu cấp bách phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; từ đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; từ nhu cầu khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển và từ nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp về một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Nêu rõ những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật và những tồn tại, hạn chế của công tác này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho hay, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết xác định 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

nq66-4.jpg
Toàn cảnh Hội nghị ngày 18/5 tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội

Cụ thể, Nghị quyết khẳng định xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng. Quan điểm này thể hiện qua việc yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình phụ trách, đồng thời bố trí cán bộ chuyên môn pháp luật tham gia cấp ủy, lãnh đạo (từ cấp trung ương đến địa phương). Nghị quyết cũng đề cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật.

Một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” – thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển. Các quy định pháp luật cần ổn định, đơn giản, dễ hiểu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác xây dựng pháp luật được yêu cầu phải rất chủ động trong nghiên cứu chiến lược và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm tăng tính dự báo, nâng cao chất lượng chính sách.

Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh phải hoàn thiện quy trình lập pháp minh bạch, chuyên nghiệp và công khai ý kiến đóng góp, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các luật chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết yêu cầu cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao.

anhvcci3.jpg
anhvcci1.jpg
\
\
nq66-2.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

“Để thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời thể chế hóa ngay Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, hôm qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, có hiệu lực thi hành ngay.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội được huy động tích cực tham gia giám sát thi hành pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật. Nghị quyết yêu cầu xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đa dạng hóa truyền thông chính sách (kể cả ứng dụng công nghệ số), chú trọng công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật và thường xuyên rà soát, hệ thống hóa pháp luật. Đồng thời, kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Nghị quyết 66-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, luôn gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thi hành pháp luật ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời chú trọng các lĩnh vực thiết yếu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng.

nq66-3.jpg
Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Bên cạnh đó, Nghị quyết 66-NQ/TW chú trọng các giải pháp đột phá về nguồn lực cho công tác pháp luật. Nghị quyết yêu cầu xây dựng chính sách đặc thù, nâng cao đãi ngộ, thu hút chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, luật gia giỏi tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực pháp luật, gắn kết với đầu tư vào các viện nghiên cứu chiến lược và tổ chức nghiên cứu chính sách pháp luật.

Về chuyển đổi số, Nghị quyết yêu cầu ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong soạn thảo, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đưa công nghệ số vào phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Nghị quyết đặt ra cơ chế tài chính đặc biệt: chi ngân sách cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, thiết lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật minh bạch để khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW đối với Quốc hội, Chính phủ…

“Để đạt được các mục tiêu đột phá mà Nghị quyết đề ra đòi hỏi mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, sáng tạo, thực chất. Mọi nỗ lực phải hướng đến mục tiêu chung: tạo dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Mỗi cơ quan, mỗi cá nhân phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, song song với việc thi hành nghiêm minh pháp luật và khuyến khích sáng tạo.

Thời gian không chờ đợi, chúng ta phải khẩn trương hành động: hoàn thành nhiệm vụ trước mắt (khắc phục ngay các vướng mắc pháp luật) và lâu dài (xây dựng thể chế hiện đại, quy chuẩn). Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng sự hưởng ứng, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Nhân dân ta sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO