Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử: Cần rà soát hệ thống pháp luật để đảm bảo khả thi

Yến Nhung 08/05/2025 04:00

Góp ý hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, một số đại biểu đề nghị, cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi.

Sau 17 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn và xu hướng phát triển công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh Việt Nam tái khởi động chủ trương phát triển điện hạt nhân, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện luật này trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là của IAEA.

Dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (Dự thảo) gồm 12 chương, 73 điều - Ảnh: ITN
Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: ITN

So với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Chính phủ dự kiến bãi bỏ 25 thủ tục hành chính, tương ứng với mức giảm 32,9 % tại Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (Dự thảo). Dự thảo không quy định chi tiết về thủ tục hành chính mà giao cho Chính phủ quy định.

Ngoài ra, Dự thảo lược bỏ nội dung quy định về Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia; Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia; Quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đáng chú ý, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ. Quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân.

Tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy trình, thủ tục để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với tinh thần đổi mới công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị làm rõ vị trí, vai trò của chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử và mối quan hệ với các quy hoạch khác. Vấn đề thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thanh sát hạt nhân cần được làm rõ về phạm vi, đối tượng, quy trình và giá trị pháp lý để tránh chồng chéo.

“Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân là nội dung lớn, phức tạp, có tác động rất lớn đến an ninh quốc gia, an toàn của người dân, có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc chuyển thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân từ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ cũng là một nội dung cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng do tầm quan trọng và tác động lớn của các dự án này…”, đại biểu này góp ý.

Về thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra tán thành với phương án như Chính phủ trình, quy định Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

“Theo đề xuất, Thủ tướng cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân.Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi cũng như đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ và hạt nhân”, ông Lê Quang Huy chia sẻ.

lo_phan_ung_hat_nhan_da_lat.jpg
Một số đại biểu đề nghị, cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi - Ảnh: ITN

Bên cạnh vấn đề nêu trên, cũng đưa ra một vài đề xuất nhằm đảm bảo tính khả thi của Dự thảo, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề xuất, thiết lập một cơ quan quản lý độc lập với Bộ Công Thương và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, đảm bảo minh bạch về an toàn hạt nhân và cấp phép.

Liên quan đến khả năng kinh tế và cơ chế tài trợ, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, cần kết hợp các khuôn khổ tài chính rõ ràng trong Dự thảo để quản lý chi phí vốn cao của nhà máy điện hạt nhân, bao gồm các khoản dự phòng cho vay quốc tế, trái phiếu doanh nghiệp và quan hệ đối tác công tư (PPP); thiết lập cơ chế bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm thiểu nợ công.

"Đồng thời tích hợp chiến lược quốc gia về phát triển lực lượng lao động hạt nhân vào Dự thảo, bao gồm các chương trình đào tạo đại học, trung tâm nghiên cứu và quan hệ đối tác đào tạo quốc tế; tăng cường các thỏa thuận hợp tác hạt nhân với các nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc...", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử: Cần rà soát hệ thống pháp luật để đảm bảo khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO