Góp ý sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định theo hướng đồng bộ, rõ ràng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử (2008) bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý. Cụ thể, Luật Năng lượng nguyên tử (2008) chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chưa toàn diện, đầy đủ.
Vì vậy, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, Dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (Dự thảo) gồm 12 chương, 73 điều (giảm 20 điều, tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008) bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ cơ bản nhất trí, cụ thể là thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Trong quá trình góp ý cho Dự thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định theo hướng đồng bộ, rõ ràng và mang tính thực tiễn cao. Đại diện Trung tâm hạt nhân TP Hồ Chí Minh đề nghị, Dự thảo cần làm rõ các khái niệm bức xạ, năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân… bởi đây là những khái niệm chuyên môn. Nếu không giải thích cụ thể, rõ ràng khi luật ban hành và được thực thi sẽ gây khó hiểu.
Đồng quan điểm về việc cần làm rõ các thuật ngữ trong Dự thảo, luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần giải thích rõ thuật ngữ “cá nhân Việt Nam” tại Điều 2 bao gồm người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư nước ngoài để phù hợp với chủ trương người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài ra, luật sư Trương Thị Hoà cho rằng, luật cần quy định cụ thể hơn về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh, hợp tác quốc tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cần được đặt trong chiến lược dài hạn, trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực hiện có.
“Hoạt động năng lượng nguyên tử phải khẳng định rõ mục đích hòa bình, phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng. Cần ưu tiên chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường nội địa hóa thiết bị phục vụ quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn”, Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất cần có quy định rõ ràng về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhằm bảo đảm nguồn lực ổn định, lâu dài.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến ở Kỳ họp thứ 9 và thông qua ở Kỳ họp thứ 10.