24h

Chi cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước

Gia Nguyễn 15/05/2025 14:30

Thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đề xuất chi cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước…

Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cuối phiên họp sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

co-che-dac-thu-chi-cho-xay-dung-va-thuc-thi-phap-luat-15.5.2.jpg
Cuối phiên họp sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật - Ảnh: Media Quốc hội

Thay mặt Chính phủ, trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Kết luận số 119-KL/TW về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.

Đồng thời, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

co-che-dac-thu-chi-cho-xay-dung-va-thuc-thi-phap-luat-15.5.1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh trình bày Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Dự thảo Nghị quyết được kết cấu thành 12 Điều, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết tập trung vào 3 chính sách, định hướng lớn, gồm: Chính sách về cơ chế tài chính; chính sách về bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chính sách về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số.

Trong đó, Chính phủ đề xuất ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển (không bao gồm chi thường xuyên về trả lương).

Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước trong tỷ lệ ngân sách Nhà nước bảo đảm chi (khoảng 6,5%); Quỹ được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, về chính sách về đảm bảo thu hút, đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Dự thảo quy định về chế độ hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ, công chức tại một số cơ quan Trung ương và địa phương như: Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp)…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện công tác lâu dài cho nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, còn có chính sách ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Đồng thời cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, về cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban tán thành với quy định của Dự thảo Nghị quyết về ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển; bảo đảm mức, định mức chi gắn với khoán chi cho công tác xây dựng pháp luật; và việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, vì các chính sách lớn này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và đều đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

“Về chính sách bảo đảm thu hút, đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Ủy ban cơ bản tán thành với quy định về chế độ hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 7 của dự thảo Nghị quyết để thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW và Kết luận số 119-KL/TW.

Đồng thời, nhận thấy chính sách hỗ trợ hàng tháng không chỉ đơn thuần là việc tăng thu nhập, tạo động lực, khuyến khích cống hiến, mà còn để xác định rõ trách nhiệm, tính liêm chính, yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức này trong thực thi công vụ, là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và ổn định nguồn nhân lực này trong dài hạn…”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chi cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO