Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 15/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm thể chế hoá đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng, ban hành VBQPPL; bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành Luật, nhất là khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 02 Điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung 18 điều; Điều 2 về hiệu lực thi hành. Dự kiến khi được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật với các lý do như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, tán thành việc xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, Dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, sửa đổi một số quy định của Luật hiện hành để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện.
Về nội dung văn bản của UBND cấp xã (khoản 4 Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật hiện hành), Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 3 Điều 22 được đề xuất sửa đổi quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đề nghị cân nhắc quy định này, vì chính quyền cấp xã là cấp cơ sở nên phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
“Nếu thực hiện phân cấp thì các cơ quan nhận phân cấp mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.
Về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành VBQPPL (khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 57 của Luật hiện hành), Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 57 từ chỗ quy định văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành “tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với VBQPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần” thành “hết hiệu lực, trừ trường hợp được công bố tiếp tục có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần”.
Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, quy định như Luật hiện hành đơn giản, dễ nhận biết, bớt thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Thực tế cho thấy, trong không ít trường hợp nội dung văn bản quy định chi tiết phù hợp với VBQPPL mới nhưng vẫn phải ban hành văn bản quy định chi tiết mới để quy định lại nội dung của văn bản cũ dẫn đến hình thức, gây tốn kém chi phí, thời gian xây dựng, ban hành văn bản mới, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải cập nhật quy định mới… Do đó, đề nghị giữ quy định hiện hành về vấn đề này, sau thời gian thực hiện sẽ sơ kết, tổng kết, nếu có đủ cơ sở mới đề xuất sửa đổi.
Về quy định chuyển tiếp (khoản 18 Điều 1 của Dự thảo Luật), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành đề xuất của Chính phủ quy định nội dung chuyển tiếp cho phép VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp cho đến thời điểm không áp dụng VBQPPL đó theo quy định tại VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã sau sắp xếp hoặc có hiệu lực tối đa đến ngày 01/3/2027.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ các trường hợp cần chuyển tiếp như được nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ để bảo đảm không tạo khoảng trống pháp luật do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.