Việc xem xét và thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi theo quy trình rút gọn ở thời điểm này chính là khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn về thể chế.
Theo đó, Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi (Dự thảo) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025 theo quy trình tại một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015).
Các chuyên gia đều nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở thời điểm này rất cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm, chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để chúng ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện pháp luật. Cùng với đó kỳ vọng rằng, việc sửa đổi và thông qua Luật lần này sẽ khắc phục những hạn chế trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tạo ra khuôn khổ pháp lý để đổi mới tư duy, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế để phát triển triển kinh tế - xã hội.
Theo PGS-TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới với những mục tiêu rất cao, trong đó có việc tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Để đạt được những mục tiêu này, cần phải tháo gỡ được điểm nghẽn của thể chế như lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói, mới có thể khơi thông được các nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và phát triển.
“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đạo luật gốc quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật, vì vậy, chúng ta phải tháo gỡ từ chính đạo luật này, làm cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng cải cách thể chế”, PGS-TS Đinh Dũng Sỹ phân tích.
Kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích lớn, theo chuyên gia này, Dự thảo đã thể hiện tư duy đổi mới về xây dựng pháp luật. Cụ thể, là việc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, đồng thời, tiết kiệm được nguồn nhân lực cũng như tài chính; trao quyền chủ động cho các cơ quan có thẩm quyền tham gia quy trình lập pháp, đặc biệt là cơ quan trình luật để chủ động hơn, linh hoạt hơn trong đề xuất, xây dựng các dự án luật trình Quốc hội; đem lại không gian mở cho hoạt động xây dựng pháp luật nói chung để đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.
Để thực thi Luật này hiệu quả “ngay và luôn”, PGS-TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần có ít nhất 4 yếu tố. Đầu tiên, Chính phủ cần sớm soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, có hiệu lực đồng thời với Luật. Tiếp đến, phải tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật. Đặc biệt, vai trò của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, trong việc chỉ đạo quyết liệt, đưa quy trình lập pháp của Luật này sớm đi vào cuộc sống là rất quan trọng. Thứ tư là vấn đề nguồn lực, bao gồm con người và tài chính. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của đánh giá tác động chính sách, phải có kinh phí để làm bài bản và thực chất, nếu không, các quy định, chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy.
Xoay quanh vấn đề này, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ khẳng định, những sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá trong Dự thảo sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới.
Theo TS Đinh Văn Minh, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất nước vươn mình sang kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có những bước tiến đột phá trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời tạo ra khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “Trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi…”. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan có trách nhiệm đã rất cố gắng để ban hành văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thẳng thắn nhìn nhận rằng sự điều chỉnh của pháp luật còn chậm trễ so với yêu cầu của cuộc sống, nhiều quy định thiếu tính khả thi, xa rời thực tế...
“Sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính là một công việc cần làm ngay để khắc phục tình trạng trên”, TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh.