Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật: Nên bổ sung vấn đề về phát huy dân chủ

Gia Nguyễn 20/01/2025 04:30

Tham gia góp ý Dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), theo chuyên gia, nên bổ sung vấn đề về phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 và đã được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2020. Qua gần 10 năm, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-19.1.2.jpeg
Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Dự thảo mới gồm 8 Chương, 98 Điều - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã nêu, thực tiễn thi hành Luật cũng cho thấy, còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính ổn định và khả năng dự báo của một số luật còn chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trợ việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực;…

Để giải quyết hiện trạng đã nêu, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Dự thảo mới gồm 8 Chương, 98 Điều (giảm 9 chương, 75 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015).

Một trong những vấn đề nhận được quan tâm, đó là các quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật; các quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các quy định về trình tự, thủ tục xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể trong Dự thảo Luật; về phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy;…

sua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-19.1.1.jpg
Theo chuyên gia, cần xác định những vấn đề trọng tâm để tham gia phản biện xã hội, tránh dàn trải để đạt được hiệu quả tốt nhất - Ảnh minh họa: ITN

Tham gia góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), TS Nguyễn Quang Minh - Chuyên viên cao cấp Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội Ủy ban Trưng ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần xác định những vấn đề trọng tâm để tham gia phản biện xã hội, tránh dàn trải để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Cụ thể, nên bổ sung vấn đề về phát huy dân chủ, đưa nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong Dự thảo Luật. Từ nguyên tắc này cũng cần xác định rõ quy trình đảm bảo sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.

"Cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận, vai trò của nhân dân trong xây dựng chính sách, pháp luật. Nên có một chương riêng trong Dự thảo Luật quy định về thẩm quyền và quy trình tham gia góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”, ông Minh đề xuất.

Cùng với nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn khái niệm quy phạm pháp luật; cần thiết kế cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức độc lập thực hiện đánh giá tác động chính sách; xem xét kỹ lưỡng hơn nội dung thẩm định chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tính toán hơn các trường hợp được ban hành văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn, thủ tục đặc biệt; cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong luật này; làm rõ khái niệm giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; các hình thức văn bản của Chính phủ…

Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật, trước đó, tại cuộc họp với Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh yêu cầu, tiếp tục rà soát, chỉnh lý nội dung Dự thảo Luật, Dự thảo Tờ trình, trong đó tập trung hoàn thiện các nội dung về: dự kiến chương trình lập pháp hằng năm; ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình tự, thủ tục đặc biệt; tham vấn trong xây dựng chính sách, phân cấp, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức độc lập trong đánh giá tác động chính sách; giải thích, hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và phân loại các nội dung xin ý kiến tương ứng với từng loại chủ thể đối với chính sách và Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Được biết, theo Nghị quyết Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật: Nên bổ sung vấn đề về phát huy dân chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO