Để quán triệt quan điểm đổi mới trong xây dựng pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này tiếp tục được Quốc hội thông qua.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua với nhiều quy định mới mang tính đột phá, được cho là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật: đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng văn bản, bổ sung quy trình xây dựng chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật...
Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian đi vào thực tế, Luật đã có nhiều nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật này để đáp ứng nhanh, kịp thời với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Theo đại diện của Bộ Tư pháp, việc xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quy định số 178-QĐ/TW, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong đó, có nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quán triệt quan điểm đổi mới xây dựng pháp luật, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đây là Dự án Luật lớn, quan trọng và cấp bách. Với hồ sơ Dự án Luật đầy đủ, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và trong bối cảnh hiện nay phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, việc bổ sung Dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo việc triển khai đồng bộ...
Đại biểu, cơ bản nhất trí, tán thành với 3 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật. Đồng thời cho rằng, các chính sách đã được Chính phủ giải trình, thuyết minh tương đối rõ ràng, đầy đủ và thuyết phục. Đây là 3 chính sách trọng tâm, rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phản ứng nhanh, kịp thời với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
“Trong quá trình xây dựng Dự án Luật, đề nghị Chính phủ phải bám sát vào Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; tiến hành đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng đối với các chính sách mới bổ sung theo đúng quy định;...”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà lưu ý.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “luật làm luật”, do đó, cần rất chú trọng tới đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu, cần đánh giá sản phẩm đầu ra có đảm bảo chất lượng; xem xét kỹ nội dung nào thật cần thiết mới đề xuất bổ sung, sửa đổi lần này đồng thời, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, không cần thiết để giảm bớt thủ tục trình.
Trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có quy trình nhanh, gọn để đáp ứng nhạnh, kịp thời với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; thể chế hóa ngay chủ trương, đường lối của Đảng. Do đó, cùng với quy trình thông thường, quy trình theo thủ tục rút gọn cần nghiên cứu quy trình, thủ tục đặc biệt.
“Ngoài ra, trên cơ sở phân tích những vấn đề bất cập hiện nay liên quan tới hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, cần lưu ý nội dung này để đưa ra những quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả, khả thi trong luật sửa đổi”, đại biểu đề nghị.
Đồng thời cho rằng, cần dành sự ưu tiên cho việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần tiến hành ngay, chuẩn bị thật tốt, kỹ lưỡng, chu đáo để đảm bảo chất lượng, yêu cầu đề ra có thể thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.
Được biết, với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung các Dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Trong 04 Dự án Luật được biểu quyết bổ sung, với Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một Kỳ họp.