Tiếp tục Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/7, Chính phủ đã đề xuất bổ sung 04 Dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Báo cáo tóm tắt về Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất xây dựng 04 Dự án luật, gồm: Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) tại Tờ trình số 505/TTr-CP ngày 11/6/2025; Dự án Luật An ninh mạng tại Tờ trình số 531/TTr-CP ngày 18/6/2025; Dự án Luật Thương mại điện tử tại Tờ trình số 536/TTr-CP ngày 18/6/2025; Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) tại Tờ trình số 579/TTr-CP ngày 24/6/2025.
Cụ thể, theo Bộ trưởng, Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) có phạm vi điều chỉnh bao gồm quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đối tượng áp dụng các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng các nguồn lực này…
Dự án Luật An ninh mạng có phạm vi điều chỉnh về hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến các hoạt động trên không gian mạng tại Việt Nam…
Dự án Luật Thương mại điện tử dự kiến điều chỉnh chính sách phát triển và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Nội dung Dự án Luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình thương mại điện tử mới như livestream, tiếp thị liên kết, nền tảng tích hợp. Bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và cơ chế kiểm soát hàng vi phạm...
“Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp hiện hành nhằm mở rộng phạm vi xã hội hoá đối với một số lĩnh vực giám định tư pháp mà tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu lớn, thường xuyên. Đối với một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành kỹ thuật hình sự như tài liệu, dấu vết và đường vân thì chưa xem xét xã hội hóa...”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đồng thời bày tỏ, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 04 dự án vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Theo Bộ trưởng, về trình tự, thủ tục xây dựng, Chính phủ đề xuất xây dựng 02 Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) và Luật Thương mại điện tử theo trình tự, thủ tục thông thường; đề xuất xây dựng 02 Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội – Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 04 Dự án, gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật An ninh mạng (sửa đổi), Luật Thương mại điện tử, Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 với những lý do, mục đích ban hành được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, đề nghị các Cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự án Luật cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chú trọng chất lượng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các Luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9…
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ về việc: Áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng luật; Áp dụng khoản 2 Điều 26 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Thống nhất nội dung Tờ trình đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp; Xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xem xét những lưu ý đã nêu, đồng thời cân nhắc điều chỉnh tên gọi của các Dự án Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng.