Nghiên cứu - Trao đổi

Thể chế khai mở, kinh tế bứt phá

Nguyễn Giang 02/05/2025 11:30

Chiến thắng 30/4 khép lại chiến tranh. Khát vọng hôm nay là cải cách thể chế, kiến tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp phát triển bền vững.

nghi-quyet-41.jpg
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ngày 30/4/1975 đánh dấu thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước. Nhưng hành trình dựng xây quốc gia không dừng ở chiến thắng. Hơn nửa thế kỷ sau, yêu cầu phát triển đặt ra những đòi hỏi mới, sâu sắc hơn: không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, mà còn phải kiến tạo một thể chế đồng hành cùng sự phát triển. Nếu ngày ấy, toàn dân tộc cùng nhau giành lại từng tấc đất, thì hôm nay, thế hệ mới cần nỗ lực tháo gỡ những rào cản vô hình để tạo dựng một môi trường phát triển minh bạch, công bằng, ổn định cho doanh nghiệp.

Vẫn còn những rào cản

Trong tiến trình đổi mới hơn ba thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít rào cản về thể chế, thủ tục hành chính và sự thiếu nhất quán trong chính sách pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định không rõ ràng, khiến chi phí tuân thủ cao, rủi ro pháp lý lớn và môi trường đầu tư thiếu ổn định. Một số trường hợp đã phải dừng dự án đầu tư do vướng mắc thủ tục không rõ ràng hoặc bị thanh kiểm tra chồng chéo. Những trở ngại này không chỉ làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Ông Trần Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM nhận định: “Doanh nghiệp không sợ thị trường cạnh tranh, mà sợ sự bất định của thể chế”. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định: “Một nền kinh tế không thể phát triển bền vững khi doanh nghiệp bị trói buộc bởi tư duy xin – cho, cơ chế phân bổ nguồn lực thiếu minh bạch và quyền kinh doanh không được bảo đảm”.

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi cấp thiết là phải có những bước đi quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn trong công tác cải cách thể chế, để giải phóng nguồn lực, khơi dậy khát vọng cống hiến, làm giàu chính đáng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Cải cách thể chế là yêu cầu chiến lược

Nhận thức được vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong kiến tạo tăng trưởng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới đã khẳng định rõ: phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu khách quan, lâu dài, cần được tạo điều kiện phát triển trong khuôn khổ pháp luật. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ cũng đề ra mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Cục Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính) đang chủ trì triển khai chương trình rà soát, loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh không còn phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Trong nhiều trường hợp, chính sách được ban hành nhưng không đến được với doanh nghiệp, hoặc bị cắt khúc, vận dụng khác nhau ở từng địa phương, dẫn đến sự thiếu công bằng và khó đoán định. Cải cách thể chế không thể dừng ở cấp nghị quyết, mà phải đi đến thực thi đồng bộ, hiệu quả, được giám sát chặt chẽ và có cơ chế phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp.

Điều quan trọng là phải chuyển hóa tư duy quản lý: từ hành chính sang phục vụ, từ kiểm soát sang đồng hành, từ mệnh lệnh hành chính sang hỗ trợ kiến tạo. Thể chế phải là điểm tựa để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư, đổi mới và hội nhập, chứ không phải là rào cản khiến họ chùn bước.

Kiến tạo môi trường mới

Trong các phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định: “Phải tạo ra chuyển biến thực chất trong cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, xóa bỏ rào cản, loại trừ lợi ích nhóm, bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp". Tổng Bí thư yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm chi phí không chính thức, bảo đảm môi trường pháp lý minh bạch, dễ tiếp cận và chi phí thấp. Đây không chỉ là định hướng chiến lược, mà còn là biểu hiện sinh động của ý chí chính trị trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của công cuộc phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ).

Tuy vậy, để chỉ đạo này thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao đạo đức kinh doanh, minh bạch, tuân thủ pháp luật và chủ động kiến tạo, để xứng đáng là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước.

Mỗi cải cách hôm nay chính là một cuộc chiến, âm thầm, nhưng không kém phần vinh quang, để giữ vững độc lập, bằng chính nội lực kinh tế. Nếu chiến thắng năm 1975 là của lòng quả cảm và ý chí dân tộc, thì chiến thắng hôm nay, là chiến thắng trong cải cách thể chế, trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh tự do, nơi doanh nghiệp có thể phát triển bằng trí tuệ, năng lực và khát vọng đóng góp.

Để có được chiến thắng ấy, đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong toàn bộ hệ thống thực thi. Thể chế phải trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp. Cắt bỏ những thủ tục không cần thiết, khắc phục tình trạng chồng chéo pháp luật, minh bạch hóa trách nhiệm công vụ, đó là những bước đi cụ thể để khơi dậy niềm tin, mở ra một thời kỳ phát triển mới.

Khi doanh nghiệp được tiếp sức đúng nghĩa, đó sẽ là chiến thắng bền vững, có sức lan tỏa lâu dài, sâu rộng và đáng tự hào không kém bất kỳ cột mốc nào trong lịch sử dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thể chế khai mở, kinh tế bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO