Quản trị tốt trên cơ sở chuyển đổi số góp phần minh bạch môi trường kinh doanh, đảm bảo tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Nhận định này được bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) chia sẻ khi đề cập đến những cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh mới của năm 2025 gắn liền với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Theo chuyên gia từ CIEM, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh, qua đó tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số rất lớn; chuyển đổi số thúc đẩy cải cách thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhìn vào thực tế, theo đánh giá của chuyên gia từ CIEM, một trong những điểm nghẽn của môi trường đầu tư kinh doanh là thể chế. Đó là tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, thiếu phối hợp giữa các cơ quan trong việc hoàn thiện thể chế hoặc đưa ra quy định pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Không ít trường hợp, tại một lĩnh vực có nhiều cơ quan quản lý liên quan đã tạo ra gánh nặng chi phí trong tuân thủ.
Để thay đổi thực tế trên, một trong những yếu tố là áp dụng chuyển đổi số - thực hiện các thủ tục và liên thông, kết nối các thủ tục giúp doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện chỉ qua một đầu mối trên hệ thống nền tảng điện tử. Đồng thời, dựa trên dữ liệu để quản trị doanh nghiệp theo hướng quản trị rủi ro, vừa thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ tốt vừa tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước.
Hướng đến mục tiêu trên, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý doanh nghiệp trên khung thiết kế đồng bộ, tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan, hạn chế tình trạng chồng chéo giữa hệ thống văn bản pháp luật. Chỉ khi hệ thống pháp lý đồng bộ mới có được hệ thống dữ liệu để kết nối, chia sẻ và có thể sử dụng chung giữa các cơ quan.
Bên cạnh đó, do đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có tính đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực nên dẫn tới đa quản lý. Để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, ngoài động lực từ chuyển đổi số, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết thêm, cần áp lực, động lực cải cách được thực hiện thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan. Nếu nỗ lực cải cách trong một lĩnh vực được thúc đẩy nhưng lĩnh vực khác lại suy giảm thì kết quả của cải cách khó bền vững.