Ngành Thuế hiện nay không chỉ có vai trò là cơ quan thu ngân sách, mà còn góp quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng.
Thực tế cho thấy, trong 4 năm qua, việc miễn giảm thuế với tổng số tiền lên đến hơn 800 nghìn tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực của ngành Tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 940 nghìn tỷ đồng.
Đáng nói, mức tăng trưởng thu ngân sách không đến từ o ép, tận thu mà đến từ việc tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế và mở rộng cơ sở thu thuế. Đơn cử như với việc tham mưu và đề xuất của ngành Tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm 50% trong năm 2024, dự kiến mức giảm này sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025 cho dù quyết định đó có thể khiến ngân sách hụt thu hơn 44 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đây là một chính sách chưa từng có, giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và biến động. Điều này khẳng định thêm rằng, triết lý "nuôi dưỡng nguồn thu bền vững" thay vì "siết thu" đã mang lại thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý thuế do cơ quan thuế được giao quản lý.
Đánh giá chính sách này rất thiết thực với các doanh nghiệp, Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, doanh nghiệp được giảm ngay chi phí đầu vào mà chi phí của xăng dầu với một đơn vị kinh doanh vận tải chiếm 30 – 40% tổng doanh thu, đặc biệt đối với lúc kinh doanh khó khăn thì tất cả chi phí đối với doanh nghiệp cũng phải tính toán đến các yếu tố cắt giảm, thậm chí có những đơn vị cắt giảm cả nhân sự nữa. Thế nhưng, việc cắt giảm được những chi phí đầu vào là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp cố gắng phục hồi.
“Bên cạnh đó, ngành Thuế là một trong các cơ quan nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế. Nổi bật như dịch vụ khai thuế điện tử được triển khai từ năm 2009, nộp thuế điện tử năm 2014, hoàn thuế điện tử năm 2017 và tích hợp trên một hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử (eTax) từ năm 2018. Ứng dụng công nghệ trong việc kê khai và đóng thuế được biết đến là E-tex khi được kết nối với mã căn cước công dân hay mã số thuế, mỗi người dân và doanh nghiệp đều có thể dễ dàng tra cứu và thực hiện nghĩa vụ thuế của mình chỉ với một số thao tác đơn giản”, đại diện này chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội ghi nhận và đánh giá rất cao tầm quan trọng của cơ quan thuế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế; vai trò của cơ quan thuế trong xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi; mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng sau đại dịch COVID-19 và sự đồng hành của cơ quan thuế trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, vẫn còn một số bất cập, ông Mạc Quốc Anh đưa ra các kiến nghị và đề xuất nhằm cải thiện hơn nữa hoạt động của ngành thuế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế. Theo đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành thuế; hoàn thiện chính sách thuế, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp như áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, như du lịch, logistics và bán lẻ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế; tăng cường cơ chế đối thoại, hợp tác với doanh nghiệp…
“Doanh nghiệp, người dân, đối tượng nộp thuế bao giờ cũng có yêu cầu cao hơn trước, đây là áp lực rất lớn đối với ngành thuế. Nhưng tôi tin rằng, với công việc đã thực hiện bài bản, khoa học, tận tâm, tận tụy của ngành thuế trong thời gian vừa qua thì ngành thuế sẽ thực hiện tốt trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho biết, điều mà tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn là có một hệ thống chính sách thuế minh bạch, rõ ràng, ổn định và có tính tương ứng với các chủ thể thuế. Khi có các chính sách rõ ràng sẽ đảm bảo bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, người nộp thuế là doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn là cải cách thủ tục hành chính về thuế mạnh hơn, thể hiện số hóa.
“Khi chúng tôi sang các nước khác, doanh nghiệp và doanh nhân được hỗ trợ rất tốt. Nhưng mình còn rất vất vả, chúng tôi rất mong doanh nghiệp trong nước cũng được hỗ trợ tốt như vậy và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách thuận lợi và thuận tiện nhất. Việc này sẽ giúp tính tuân thủ cao hơn và giảm thiểu hành vi trốn thuế”, bà Cúc chia sẻ.