Mặc dù còn đó một số tồn tại, nhưng trong năm 2024, những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đã đem đến những tín hiệu và kết quả tích cực.
Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, áp lực thúc đẩy quá trình cải cách của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã được nâng cao. Cùng với đó, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp…
Xoay quanh vấn đề đã nêu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuyên suốt thời gian qua, Chính phủ không ngừng quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
“Việt Nam được đánh giá có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trong năm 2024, việc cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế tiếp tục được thúc đẩy, trong đó có việc hướng dẫn triển khai các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi… việc sửa các luật này được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông nguồn lực cho các thị trường, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, tính từ năm 2021 đến tháng 8/2024, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.001 quy định kinh doanh, trong đó có 1.591 thủ tục hành chính, 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành,… riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, Thủ tướng cũng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 40 thủ tục hành chính nội bộ.
Ngoài ra, nền tảng vững chắc của doanh nghiệp còn nằm ở tình hình kinh tế vĩ mô trong nước được cải thiện, chính trị ổn định – gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
Những động thái mới trong rà soát pháp luật của Chính phủ thời gian gần đây được nhìn nhận là những cơ hội để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng.
Thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê trong 11 tháng năm 2024 cũng cho thấy, cả nước có hơn 218.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; trung bình một tháng có gần 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Dù trung bình một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tuy nhiên, những con số này cho thấy, doanh nghiệp đang có xu hướng phục hồi, phát triển.
Mặc dù đã cho thấy những tín hiệu, kết quả tích cực trong năm 2024, tuy nhiên, công tác cải thiện môi trường kinh doanh trong năm này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ đều nhận diện sự chậm lại của cải cách môi trường kinh doanh.
Cụ thể, công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ít chuyển biến; thủ tục hành chính vẫn còn nặng nề, phức tạp và rườm rà; dịch vụ công trực tuyến mặc dù đã được cải thiện, nhưng chưa thuận tiện và chưa thông suốt, nhiều thủ tục trực tuyến triển khai còn mang tính hình thức...
Nhìn nhận về cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ bày tỏ vui mừng khi lĩnh vực y tế tư nhân đã có tốc độ phát triển nhanh chóng trong hơn 20 năm qua nhờ chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước; góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, cùng ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn những điểm bất cập trong việc triển khai thực hiện các chính sách khi cùng là chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân, nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định theo cách khác nhau.
“Một số địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không thống nhất áp dụng chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, khiến chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế khó đi vào cuộc sống, tốc độ triển khai đầu tư các bệnh viện tư chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết mà Đảng, Chính phủ đặt ra”, ông Đệ chia sẻ.
Còn theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, trong năm 2025, nhiều luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành, với tư duy bứt phá, tháo gỡ khó khăn, chắc chắn các nguồn lực lâu nay bị ách tắc sẽ được khơi thông. Nhưng để làm được điều này, cần nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật; các cơ quan soạn thảo trước khi ban hành cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, nhất là với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch.
Đặc biệt, nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn những giải pháp chính sách tạo dựng một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn phải an toàn, qua đó phục hồi niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng hiện nay.
“Thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên giảm thuế, phí, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương cần liên tục rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.
Đồng thời lưu ý, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần trang bị tâm thế sẵn sàng, chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén nắm bắt cơ hội để bứt phá trong kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc.