Để đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025, Việt Nam cần những giải pháp làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.
Năm 2025, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điêp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg với mục tiêu phải tăng tốc, bứt phá hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới. Mặc dù các dự báo tăng trưởng ở nhiều chỉ số đều cho thấy triển vọng phát triển kinh tế trong năm 2025, song cũng có không ít những khó khăn, thách thức phải đối mặt.
Để nền kinh tế Việt Nam vượt “cơn gió ngược” năm 2025, các chuyên gia khuyến nghị, trong thời gian tới, cần tập trung ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hậu COVID-19. Các chính sách vĩ mô cần được ban hành, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, đa chiều và có lộ trình cụ thể được công bố sớm để các chủ thể liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp có thể thích ứng, chống chịu tốt hơn trước những “cú sốc” về chính sách. Đồng thời, thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn, mạnh mẽ hơn, tập trung xây dựng quy chế và chính sách để thúc đẩy động lực phát triển bền vững nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phải đáp ứng được xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu...
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.
"Cần tập trung giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường. Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Thêm vào đó, cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, tư duy mới không thể chạy trên nền những luật lệ được ban hành theo tư duy cũ. Chúng ta phải có sự thay đổi cơ bản, chứ không chỉ cắt giảm quy định, sửa luật. Phải mạnh tay loại bỏ nhiều văn bản chứ không phải chỉ bãi bỏ một số quy định. Một số luật trung gian phải loại bỏ. Đồng thời đổi mới cả tư duy thực thi luật pháp hướng theo mục tiêu, theo kết quả chứ không phải bó theo quy trình.
Về cải cách thể chế, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh, cần bỏ quan điểm "không thể" và tiếp cận cải cách một cách quyết liệt, hiệu quả; bảo đảm tính công khai, minh bạch và tham vấn rộng rãi trong quá trình xây dựng pháp luật đi đôi với việc nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Công tác quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, làm nền tảng cho chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ cũng nên chú trọng hơn nữa, đó cũng là tiền đề để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, với các yếu tố thành phần trong GDP như hiện nay, dù ở mức lạc quan nhất cũng không thể tăng trưởng 8 – 10%. Song, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, khi lãnh đạo đất nước đã chỉ rõ được vấn đề thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và quyết tâm cải cách. Cùng với đó, trong bối cảnh các nước lớn đang có những cạnh tranh gay gắt, Việt Nam có cơ hội rất lớn để đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
“Tuy nhiên, giai đoạn này sẽ không kéo dài, do đó Việt Nam phải kịp thời cải cách, đổi mới để nắm bắt được cơ hội, từ đó mới có thể tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Nguyễn Đình Thọ chia sẻ.