Nghiên cứu - Trao đổi

Cải cách môi trường kinh doanh để phát triển bền vững

Phương Thanh thực hiện 07/04/2025 11:05

Quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Đó là chia sẻ của bà Hồng Kim Vi - cố vấn đầu tư, nguyên Phó Tổng chiến lược và đối ngoại Tập đoàn Super Energy với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo bà Vi thực hiện quyết liệt các thông tư, chỉ thị mới đạt hiệu quả, còn không các chủ trương có thể chỉ nằm trên giấy.

Bà Vy
Bà Hồng Kim Vi - cố vấn đầu tư, nguyên Phó Tổng chiến lược và đối ngoại Tập đoàn Super Energy

Thưa bà, cải cách thủ tục hành chính để giảm tải cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo bà cần tập trung rút gọn ở lĩnh vực nào?

Những chỉ đạo quyết liệt và hành động nhanh chóng gần đây của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã tạo được niềm tin lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chương trình cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính trong những năm qua, nhưng trong nửa năm trở lại đây, chúng ta mới thực sự chứng kiến những chủ trương đi kèm với việc thực thi nhanh chóng và quyết liệt như vậy.

Tuy nhiên, về thủ tục hành chính, tôi cho rằng văn bản pháp luật cần cụ thể và rõ ràng hơn để không gây nên tình huống “tiến thoái lưỡng nan” cho doanh nghiệp. Bởi văn bản thì tĩnh, trong khi cuộc sống, thị trường và nhu cầu của đất nước luôn thay đổi và phát sinh những vấn đề mới mỗi ngày. Các văn bản pháp luật hiện hành, một số điều khoản lại chung chung và chồng chéo giữa các ban ngành, không bao hàm hết các nhu cầu thực tế, gây ra sự lúng túng cho các bộ phận thực thi ở cấp bộ ban ngành và địa phương. Nhiều khi hoàn thiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tôi đã gặp phải tình huống không biết xử lý như thế nào cho trúng và đúng.

Mặt khác một số cơ quan ban ngành cấp cơ sở còn tồn tại tâm lý "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít" và "chuyền bóng, chuyển trách nhiệm", đây là nguyên nhân gây trì trệ và chậm trễ, khiến khâu thực hiện hoàn thiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp rất gian nan. Do đó tôi rất mong nhận được sự đồng thuận hơn nữa ở cấp địa phương trong tác xử lý thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, với các đơn vị thực hiện cấp địa phương cần có sự chuyên môn hoặc đào tạo, tập huấn để có đủ kiến thức hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra các đề xuất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, vậy theo bà “giữ sức khỏe cho doanh nghiệp” có được coi là giải pháp khả thi?

Các chuyên gia đã có những đề xuất rất hay, nhưng hiện tại các đề xuất đó cần được ứng dụng và kiểm nghiệm độ khả thi trong thực tiễn. Theo tôi, xương sống của nền kinh tế là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải khoẻ thì nền kinh tế mới giàu mạnh và bứt tốc. Lấy ví dụ cho vụ việc có nguy cơ hồi tố 173 dự án điện năng lượng tái tạo. Nếu hồi tố các doanh nghiệp này, các ngân hàng tài trợ cho các dự án này có còn khoẻ hay không?

Như tôi phân tích câu chuyện về nỗi trăn trở của nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta cần làm tốt môi trường đầu tư kinh doanh, thực thi minh bạch về chính sách và quy định pháp luật. Bởi sự không ổn định về thực thi chính sách sẽ gây thiệt hại rất lớn đến dự án và khả năng thanh toán tín dụng của nhà đầu tư. Cụ thể hơn tôi muốn các bạn tiếp cận vấn đề này từ một góc nhìn khác - góc nhìn của ngân hàng. Tôi có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng dự án, từ năm 2010 đến 2021, tôi làm việc tại Deutsche Bank Việt Nam và phụ trách mảng năng lượng tái tạo từ rất sớm. Các dự án điện tái tạo thường có quy mô đầu tư rất lớn, từ vài trăm tỷ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, và hầu hết đều phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, với tỷ lệ vay đối ứng khoảng 80% trong thời gian trả góp lên đến 20 năm.

Thực tế, việc triển khai một dự án không hề đơn giản và nhanh chóng. Hồ sơ dự án rất phức tạp, từ khâu khảo sát, xin chủ trương đầu tư đến giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng... Thông thường, các thủ tục giấy tờ mất ít nhất 2 năm. Tiếp theo là việc mua sắm thiết bị, không phải muốn nhập là có ngay. Các thiết bị này thường là chuyên dụng, số lượng lớn, nên phải đặt hàng từ rất sớm, thường mất từ 1 đến 2 năm để sản xuất và lắp ráp (thiết bị cho dự án điện gió còn mất nhiều thời gian hơn điện mặt trời).

Đặc biệt hai giai đoạn trên đòi hỏi nguồn vốn rất lớn ngay từ đầu, do đó, các chủ đầu tư thường lập dự án vay vốn ngay khi có chủ trương đầu tư và Hợp đồng mua bán điện (PPA). Vào thời điểm đó, các ngân hàng chúng tôi chỉ có thể thẩm định dự án dựa trên giấy tờ, niềm tin thu hồi nợ dựa vào PPA và giá FIT, cùng với tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai. Các doanh nghiệp nước ngoài thường có lợi thế tiếp cận trực tiếp các ngân hàng nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, thường phải nhờ các ngân hàng lớn trong nước phát hành thư bảo lãnh để có thể tiếp cận chúng tôi với lãi suất tốt hơn.

Do đó đứng ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá lại các điều kiện của pháp luật, chính sách, thời điểm thi công và đầu tư, nhìn lại những nỗ lực của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định xử phạt. Bởi “Giữ sức khỏe cho doanh nghiệp” không chỉ chứng minh một môi trường đầu tư tốt, mà còn giúp doanh nghiệp lớn mạnh và đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Doanh nghiệp “khỏe” mới đủ tiềm lực để cạnh tranh, vậy bà nhận định như thế nào về thị trường trong nước, “trụ đỡ” cho tăng trưởng nền kinh tế?

222222222222.jpg
Tháo gỡ các điểm nghẽn để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo

Năm 2024 thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Có thể nói thị trường trong nước là “trụ đỡ” đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Tuy nhiên bên cạnh thế mạnh đó, xét ở một góc độ tiêu dùng, chúng ta thấy thị trường trong nước vẫn chưa kiểm soát tốt về một số mặt hàng thực phẩm liên quan chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Tôi mong rằng các cơ quản lý hãy thực thi vai trò giám sát, quản lý thị trường được minh bạch và chặt chẽ hơn. Ngược lại mỗi công dân Việt Nam hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, đẩy mạnh mở rộng nâng cao tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng…với động lực này thì các doanh nghiệp Việt sẽ “khỏe” hơn để lớn mạnh ở thị trường trong nước.

Chúng ta là một nước nghèo, nếu chúng ta không ủng hộ hàng hóa của đồng bào mình, thương hiệu Việt mình, thì đất nước ta sẽ càng nghèo hơn. Tôi cho rằng sự “nghèo nàn” không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo cả về tinh thần. Do đó chúng ta cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền để người tiêu dùng dành tình cảm và sự quan tâm hơn nữa với sản phẩm nội địa của mình. Đây là yếu tố cốt lõi để góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Tháo gỡ được những điểm nghẽn này không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất phát triển, mà còn góp phần xây dựng thị trường tiêu thụ nội địa trong nước tăng trưởng ổn định, xây dựng “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế!

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách môi trường kinh doanh để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO