Thách thức thực thi cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA

Huyền Trang - thực hiện 05/09/2019 11:30

Cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ở mức rất cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về vấn đề này.

TS. NGUYỄN NGỌC HÀ - Khoa Luật Quốc tế, Đại học Thương mại đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

 - So với cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA khác, cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA có điểm nào đặc biệt, thưa ông?

Trong số các FTA mà Việt Nam là thành viên, EVFTA là một trong hai hiệp định có cam kết về sở hữu trí tuệ cao nhất. Riêng đối với EVFTA, hiệp định này hàm chứa một số quy định khác biệt so với các FTA khác.

Có thể kể đến một số vấn đề như: Phụ lục 12-A chứa đựng 169 chỉ dẫn địa lý của EU và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam mà hai bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần phải thông qua các thủ tục thông thường; quy định về thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nhóm hàng thuộc diện điều chỉnh, bao gồm rượu, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm; nghĩa vụ của Việt Nam sau ba năm EVFTA có hiệu lực, phải gia nhập hai hiệp định của WIPO về quyền tác giả và về biểu diễn và bản ghi âm; quy định rộng hơn về các hành vi xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo hộ quyền tác giả; nghĩa vụ của Việt Nam về gia nhập Hiệp định La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp;…

Ở Việt Nam, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp. Nói cách khác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với Việt Nam.

Các DN Việt Nam chưa thật sự quan tâm tới các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA. Đây là một trong những rào cản lớn đối với DN Việt trong việc tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các quy định đó mang lại.

Do đó, EVFTA hướng tới xây dựng cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hai nhóm biện pháp chính là các biện pháp thực thi dân sự và các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Việt Nam và EU đã đàm phán đưa ra cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo hướng nghiêm khắc, chủ thể thực thi quyền sở hữu trí tuệ có quyền cao hơn, nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt… Thực thi tốt các quy định này sẽ góp phần tăng hiệu quả quá trình thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ.

-Nhiều quan điểm cho rằng pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa tương thích với các cam kết trong EVFTA, ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là pháp luật Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết chúng ta đã ký trong EVFTA.

Có thể kể đến các quy định như: yêu cầu về không “sử dụng một cách thực sự” trong vòng năm năm liên tục của một nhãn hiệu đã đăng ký để xem xét việc đình chỉ hiệu lực của nhãn hiệu đó (Điều 12.22.1 của EVFTA); mức độ bảo vệ cao đối với chỉ dẫn địa lý (Điều 12.27 của EVFTA); bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý đồng âm (Điều 12.27.3 EVFTA); các ngoại lệ áp dụng cho các chỉ dẫn địa lý Asiago, Fontina, Gorgonzola, Feta (các chỉ dẫn địa lý về pho mát) và Champagne (về rượu) (ĐIều 12.28); việc đảm bảo quyền tiếp cận thuốc của người dân theo Tuyên bố về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng (Điều 12.39)…

Có thể bạn quan tâm

  • Không nhận thức rõ sở hữu trí tuệ ở EVFTA, doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng

    Không nhận thức rõ sở hữu trí tuệ ở EVFTA, doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng

    15:00, 27/08/2019

  • Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thờ ơ với sở hữu trí tuệ?

    Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thờ ơ với sở hữu trí tuệ?

    11:15, 05/07/2019

  • Luật Sở hữu trí tuệ: Khuyến khích phát triển kinh tế tri thức

    Luật Sở hữu trí tuệ: Khuyến khích phát triển kinh tế tri thức

    09:30, 31/05/2019

-Vậy, quá trình sửa đổi chính sách liên quan đến các cam kết sở hữu trí tuệ của EVFTA sẽ phải lưu ý những điều gì, thưa ông?

Các cam kết EVFTA có nhiều khoảng không gian khá rộng để giải thích, lựa chọn cách thức thực thi thích hợp. Vì vậy, quá trình sửa đổi pháp luật lúc này không chỉ đơn thuần là việc đưa cam kết EVFTA vào thành quy định pháp luật nội địa, mà còn là quá trình phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả dĩ, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất với chúng ta.

Cụ thể, với các cam kết sở hữu trí tuệ của EVFTA, quá trình sửa đổi này cần được xem xét theo hai hướng chính:

Một là, có nên cho phép áp dụng trực tiếp một số quy định về sở hữu trí tuệ của EVFTA không? Ví dụ, quy định tại Điều 12.28 về ngoại lệ trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một số chỉ dẫn địa lý cụ thể đã đầy đủ và rõ ràng, Việt Nam không cần phải nội luật hóa, nói cách khác, không cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật trong nước.

Hai là, đối với những quy định cần phải nội luật hóa (như yêu cầu về không “sử dụng một cách thực sự” đối với nhãn hiệu đã đăng ký), Việt Nam phải xem xét để sửa đổi, bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện có liên quan, Việt Nam cũng cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo sự tương thích của pháp luật trong nước với Hiệp định này.

Do đó, các nhà lập pháp, trong trường hợp cần chuyển hóa EVFTA vào nội luật, cũng cần phải xem xét sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sao cho đáp ứng được sự tương thích với cả hai hiệp định nêu trên.

- Ông có khuyến nghị nào cho nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết khó bậc nhất này trong EVFTA này?

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể gặp nhiều bất lợi do bị hạn chế khả năng cạnh tranh đối với những hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ theo các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hoặc sẽ làm chi phí giao dịch tăng lên…

Do đó, việc tìm hiểu kỹ các quy định để từ đó đưa ra các phương án kinh doanh hợp lý là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt.

Từ góc độ của Nhà nước, việc hoàn thiện khung pháp luật trong nước với quy định của EVFTA, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của EVFTA cần tiếp tục cùng với các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý dành cho doanh nghiệp khi cần thiết… là những hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định này tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang - thực hiện