Câu chuyện về kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam bị đánh cắp trên thị trường quốc tế đã diễn ra khá phổ biến.
Để xảy ra tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam có tài sản sở hữu trí tuệ song lại chưa quan tâm hoặc không quan tâm nhiều, thậm chí có quan tâm nhưng mức độ quan tâm chưa thỏa đáng về sở hữu trí tuệ. Điều này đã gây ra vấn đề lớn và doanh nghiệp phải trả giá đắt bằng việc bị đánh cắp kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của mình.
Đó là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đưa ra tại Chương trình "Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam" do VCCI phối hợp cùng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ (IP Việt Nam), Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA).
Hiện nay, Việt Nam đã có những cam kết rất cao thậm chí là cao nhất liên quan đến sở hữu trí tuệ. Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam đã trở thành thành viên của các hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính cốt lõi của thế giới như Công ước Paris, Công ước Rome, Công ước Berne, Công ước Stockholm, và hiện nay Việt Nam đang trong quá trình gia nhập công ước LaHay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2017, Cục Sở hữu Trí tuệ đã chứng nhận hơn 100.000 đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ các loại và thực hiện bảo hộ hơn 30.000 ngàn đơn sở hữu về kiểu dáng công nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định: "Đây là những kết quả tích cực tuy nhiên so với nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi, trong bối cảnh mới khi thế giới đang tiến tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế thông minh thì việc tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của doanh nghiệp là việc làm rất cần thiết".
Theo đó, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của quá trình hội nhập. Đây cũng chính là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.
Chính vì vậy, TS Vũ Tiến Lộc đề xuất giải pháp: "Một mặt, Việt Nam cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế quy định về sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam phải cam kết tôn trọng sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp khác. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải quan tâm tới quyền sở hữu trí tuệ của mình".
Có thể bạn quan tâm
19:30, 18/06/2019
11:05, 15/06/2019
12:00, 14/06/2019
Để doanh nghiệp có thể quan tâm đúng mức về bảo hộ trí tuệ nói chung, bảo hộ hiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu nói riêng, trước tiên doanh nghiệp cần nắm rõ những thông tin về điều kiện để đơn bảo hộ của doanh nghiệp được chấp nhận.
Hiện nay, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ cũng định nghĩa, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này.
Tập hợp các đặc điểm tạo dáng không gắn liền với sản phẩm sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.
Theo đó, sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện… được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, có khả năng lưu thông độc lập.
Đồng thời, sản phẩm được coi là có khả năng lưu thông độc lập nếu là sản phẩm liền khối, hoặc bộ phận, chi tiết lắp ráp được với nhau để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh và tháo rời ra được.
Ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ lưu ý rằng, đối với kiểu dáng công nghiệp nhãn sản phẩm, nhãn sản phẩm được hiểu là tấm mỏng dạng hai chiều dùng để gắn, dán lên sản phẩm khác theo cách tách rời ra được. Các hình ảnh dùng để in hoặc sơn, vẽ, lên sản phẩm khác tự bản thân chúng không có khả năng lưu thông độc lập nên không phải là đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, do đó không được bảo hộ dưới dạng nhãn sản phẩm.
Ngoài ra, tại điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể đối với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bấy kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.