Xe tải trọng biển kiểm soát Lào “đại náo” đường Việt: Cục Quản lý đường bộ II loay hoay xử lý
“Chúng tôi đang yêu cầu thanh tra giao thông báo cáo, tham mưu lên cấp trên để có chỉ đạo xử lý tình trạng xe tải trọng gắn biển kiểm soát Lào chở hàng lưu thông qua địa phận trong nước..”
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên DĐDN sau loạt bài phản ánh về tình trạng “Xe tải trọng biển kiểm soát Lào “đại náo” đường Việt".
Trách nhiệm chưa được làm rõ
Theo đó, Cục Quản lý đường bộ II (Cục QLĐB II) đã chỉ đạo Đội thanh tra an toàn, Chi cục Quản lý đường bộ II.2 trực tiếp làm việc với với Cảng Cửa Lò xác minh có hay không việc xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông.
Kết quả xác minh, Cục QLĐB II cho biết hiện nay tại Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò đang bốc xếp hàng hóa từ tàu biển lên phương tiện tham gia thông đường bộ dựa theo tải trọng cho phép ghi trên giấy chứng nhận kiểm định đối với xe đăng ký của Việt Nam và theo tải trọng ghi trên bản dịch thuật đăng ký phương tiện đối với các phương tiện mang biển kiểm soát Lào.
Qua kiểm tra giấy tờ photo bản dịch thuật đăng ký phương tiện đối với xe tải trọng BKS Lào thì tổng trọng lượng của tổ hợp xe thân liền kéo theo rơ moóc từ 70 tấn đến 75 tấn.
Đại diện các đơn vị bốc xếp hàng hóa cũng không đưa ra được số liệu về kiểm soát quá tải trọng vì việc các phương tiện tải trọng gắn BKS Lào đang được tạo điều kiện theo Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký tại Hà Nội ngày 15/9/2010?!.
Theo lãnh đạo Cục QLĐB II, đơn vị đang quản lý hơn 700km đường QL khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế cũng cho rằng, để kiểm soát tải trọng xe gắn biển kiểm soát (BKS) Lào lưu thông trên các cung đường Việt Nam hiện nay gặp không ít khó khăn vì thiếu hành lang pháp lý?!.
Tuy nhiên, theo những văn bản pháp lý mà chúng tôi tiếp cận được thì lời biện minh như vậy vẫn chưa thể thuyết phục được dư luận.
Ngay như tại Điều 4 của Hiệp định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Lào – Việt Nam quy định “Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó”.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An, Hà Tĩnh: Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi bị cô lập
09:30, 16/10/2019
Chung cư cao tầng ở Nghệ An (Kỳ V): Đem cư dân… bỏ chợ?
11:05, 14/10/2019
Chung cư cao tầng ở Nghệ An (Kỳ IV): Tính mạng cư dân đang “đánh đu” với tử thần
06:06, 09/10/2019
Xe tải trọng biển kiểm soát Lào “đại náo” đường Việt: Ban ATGT tỉnh Nghệ An vào cuộc
05:10, 09/10/2019
Chung cư cao tầng ở Nghệ An (Kỳ III): Điểm danh các “ông lớn” dính nhiều sai phạm
05:41, 30/09/2019
Sai phạm tại các chung cư cao tầng ở Nghệ An (Kỳ II): Hàng chục năm “treo” quyền lợi của cư dân
05:15, 25/09/2019
Sai phạm tại các chung cư cao tầng ở Nghệ An (Kỳ I): Xây dựng sai thiết kế, vượt tầng
11:05, 23/09/2019
Mặt khác, tại Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 của Bộ GTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng… cũng quy định tổng trọng lượng của tổ hợp xe lớn hơn hoặc bằng 48 tấn.
Đáng quan tâm là đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ mo óc cũng quy định tổng trọng lượng tổ hợp xe lớn hơn hoặc bằng 45 tấn.
Cầu đường hư hỏng, ai gánh?
Trước tình trạng xe tải trọng lớn gắn BKS Lào đang “đại náo” QL 8A (Hà Tĩnh), QL 12A, 12C (Quảng Bình), QL 46 (Nghệ An), QL 1… đã khiến dư luận bức xúc trong suốt thời gian qua.
Bởi với những xe “siêu trường, siêu trọng” liên tục “ăn hàng” với tải trọng trên dưới 70 tấn từ các Cảng Cửa Lò (Nghệ An) lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang trở thành mối lo ngại về sự xuống cấp cầu, đường bộ trong nước. Hay như những xe tải trọng lớn BKS Lào di chuyển, chở hàng xuống cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình) từ cửa khẩu Cha Lo xuống cũng không ngoại lệ.
Thực tế, trong quá trình “mục sở thị” các cung đường nói trên, phóng viên đã chứng kiến không ít “binh đoàn” xe tải trọng gắn BKS Lào rồng rắn ngang nhiên di chuyển ngược xuôi.
Đặc biệt, nhiều đoạn trên QL 8A qua Hà Tĩnh xuất hiện ổ voi, ao tù nước đọng…xuống cấp nghiêm trọng do xe tải trọng lớn cày xới. Tại nhiều cung đường QL 8A lên Cửa khẩu Cầu Treo từ Km 37 đến Km 85+300, chúng tôi liên tục bắt gặp cảnh tượng đơn vị công thay nhau tu sửa, chắp vá.
Ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó cục trưởng Cục QLĐB II cũng thừa nhận là tình trạng một số đoạn QL 8A bị hư hỏng nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có “thủ phạm” là xe quá tải cày xới.
“Riêng với QL 8A với chiều dài 85,3km đang được đơn vị quản lý, vận hành. Hiện trạng toàn bộ tổng chiều dài tuyến QL 8A đang được chia thành 2 gói dự án. Từ Km 00 đến Km 37 được giao cho Cục QLĐB II đầu tư, nâng cấp xây dựng và đưa vào sử dụng. Còn từ Km 37 đến Km 85+300 do Ban quản lý dự án 4 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư nhưng hiện tại chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa thể nâng cấp được.
Vì vậy, việc bảo trì, duy tu đang được bố trí nguồn vốn tạm thời sửa chữa 15 nghìn m2. Vấn đề QL 8A hỏng do 2 nguyên nhân chính là nằm trong dự án xây dựng cơ bản nhưng chưa được bố trí nguồn vốn và xe quá tải lưu hành” – ông Nguyễn Thanh Hoài cho biết thêm.
Cũng qua trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận tình trạng xe tải trọng lớn BKS Lào với trọng tải trên dưới 70 tấn lưu thông trên các cung đường do đơn vị quản lý là có thật.
Tuy nhiên, để kiểm soát tình trạng quá tải trọng thì thanh tra giao thông không có thẩm quyền yêu cầu dừng xe mà thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông.
Đại diện Cục QLĐB II cũng cho biết là sẽ yêu cầu thanh tra tổng hợp, tham mưu báo cáo trình cấp trên để có hướng xử lý tình trạng xe tải trọng lớn gắn BKS Lào lưu thông trên đường bộ Việt Nam.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.