Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): “Rộng cửa” cho 5 triệu hộ kinh doanh
Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi 66 điều; bãi bỏ 02 điều; bổ sung 01 chương và 08 điều...
Đặc biệt, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh và quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh.
“Hộ kinh doanh” tiếp tục được thừa nhận
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định này là thừa nhận “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. “Đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh”, ông Dũng nói.
Thẩm tra dự án luật, ông Vũ Hồng Thanh Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế (theo Niên giám thống kê năm 2018, khu vực kinh tế cá thể đóng góp 29,24% GDP cả nước) cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.
Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội,...) nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Thông tư 47/2019/TT-BTC: Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp
15:08, 03/09/2019
Hải Dương: Nhiều "rào cản" khiến hộ kinh doanh ngại “lên đời”
06:00, 06/08/2019
“Ứng xử” thế nào với hộ kinh doanh?
14:00, 04/07/2019
Theo kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 4,59 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định. Trong đó, có khoảng 1,33 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khoảng 3,02 triệu cơ sở chưa đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 0,24 triệu cơ sở đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc không phải đăng ký kinh doanh.
Ưu thế khi lên doanh nghiệp
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sẽ có một số ưu thế khi đưa hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.
Thứ nhất, các hộ kinh doanh sẽ có “danh chính ngôn thuận” như tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn.
Thứ hai, có thể được các cơ quan quản lý hay quỹ hỗ trợ chính thức và trực tiếp về nguồn vốn. Đặc biệt với những doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực mới như công nghệ cao.
Thứ ba, khi trở thành doanh nghiệp, thì các hiệp hội ngành hàng có thể hỗ trợ nâng cao đào tạo cán bộ quản lý cũng như công nhân kỹ thuật.
Thứ tư, khi lên doanh nghiệp thì có thể liên kết ngang, liên kết dọc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để trở thành vệ tinh trong chuỗi cung ứng hay sản xuất hàng hóa. Khi đó, hộ kinh doanh sẽ có vị thế mới, với nguồn hàng và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Vẫn theo ông Thịnh, khi hộ gia đình chuyển thành doanh nghiệp sẽ làm cho sản xuất, kinh doanh minh bạch, công khai hơn. Trong đó, GDP sẽ được phản ánh đúng hơn về giá trị của khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
“Khu vực này thời gian qua đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng, nhưng thống kê thường bị “thất thoát” lọt chỗ này, thiếu chỗ kia nên dẫn đến không được ghi nhận cũng như không phản ánh đúng thực chất của kinh tế tư nhân vào GDP”, ông Thịnh nói.
Cuối cùng, ông Thịnh đánh giá, việc trở thành doanh nghiệp sẽ giúp hộ kinh doanh có được “tên tuổi” để tham gia vào mắt xích chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước, nhân cơ hội Việt Nam đã ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, khi các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang tìm đường vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp này cũng mong muốn doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Và đây chính là cơ hội vàng cho hộ kinh doanh “nhanh tay” chuyển lên thành doanh nghiệp