Mức thuế suất, cách thức quản lý, mặt bằng, nguồn vốn, hệ thống quản trị… là những trở ngại khiến hộ kinh doanh cá thể ở Hải Dương ngại “lên đời” doanh nghiệp.
Ngay cả nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng thường vướng mắc về thủ tục kê khai và nộp thuế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển lên doanh nghiệp.
“Thuế khoán” vẫn thắng “thuế doanh nghiệp”
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về việc các cơ sở kinh doanh không mấy mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo cho biết: Các hộ kinh doanh cá thế làng nghề truyền thống tại Hải Dương không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn đầu tư máy móc thiết bị. Cùng với đó, mặt bằng kinh doanh hạn chế, tiềm lực kinh tế không đủ mạnh và nhận thức của người chủ chưa đầy đủ về kinh tế, pháp luật khiến các hộ kinh doanh không đủ tự tin “lên đời”.
Cũng theo ông Giang: "Thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh có suy nghĩ với quy định hiện hành, họ đang có lợi thế hơn doanh nghiệp về chi phí kinh doanh và đặc biệt là về thuế. Cụ thể, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản hơn so với thành lập doanh nghiệp, được giảm 50% lệ phí thành lập. Hộ kinh doanh cũng được linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế cho phù hợp với hoạt động của mình".
“Khi lên đời, họ phải phải thay đổi chế độ từ thuế khoán lên thuế doanh nghiệp. Hiện nay, mức thuế suất áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa mang tính khuyến khích. Bên cạnh đó, họ phải tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn. Cách thức quản lý sổ sách thay đổi đòi hỏi hộ kinh doanh phải thuê nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị…làm gia tăng chi phí. Vì vậy họ không mặn mà thành lập doanh nghiệp”, ông Giang phân tích thực tế.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo doanh nghiệp Việt Nam (TP Hải Dương) cho biết, hầu hết doanh nghiệp sau khi thành lập đều tự thân vận động để tồn tại. Doanh nghiệp thành lập trên cơ sở các hộ kinh doanh cá thể nên khả năng quản trị yếu. Mới thành lập nên họ rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về: tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, lao động được đào tạo bài bản, tham gia quảng bá sản phẩm, kết nối sản xuất...
Dù phấn đấu thành lập mới hàng nghìn doanh nghiệp trong năm 2019 nhưng thực tế doanh nghiệp của Hải Dương đã đạt “chất lượng” như kì vọng?
Theo Cục Thuế Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 17.829 doanh nghiệp, HTX đã được cấp mã số thuế, nhưng chỉ có 9.848 đơn vị đang hoạt động. Quy mô vốn, lao động của các doanh nghiệp tương đối nhỏ. Số doanh nghiệp sử dụng 10 lao động trở xuống chiếm tới 61,4%, quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được xếp loại nhỏ, siêu nhỏ.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Hải Dương có 935 doanh nghiệp thành lập nhưng cũng có tới 784 doanh nghiệp đóng mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh hoặc tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn. Tính đến hết tháng 5/2019, tổng số thuế nợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 841 tỷ đồng gồm 355,5 tỷ đồng có khả năng thu, còn lại là nợ khó đòi kéo dài.
Có thể bạn quan tâm
18:59, 04/08/2019
05:10, 03/08/2019
11:30, 01/08/2019
Khó đạt mục tiêu
Trong kế hoạch phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Hải Dương sẽ có từ 16.000 - 17.000 doanh nghiệp mới thành lập. Riêng năm 2019, Hải Dương phấn đấu thành lập 2.500 DN.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, Hải Dương có 12.842 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký 149.456 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2016 - 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập tăng 14,5%/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển doanh nghiệp hàng năm còn chậm so với mục tiêu mà tỉnh này đã đề ra. Quy mô các doanh nghiệp nhỏ, trình độ quản trị còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của hộ kinh doanh ở cấp huyện còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 850 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 30% về số lượng và trên 50% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân do hạn chế của các địa phương trong việc triển khai và kiểm tra, giám sát kê khai theo hóa đơn, chứng từ.
"Việc chấp thuận dự án cho các cá nhân, hộ gia đình của cấp huyện có những trường hợp không đúng. Theo quy định, những dự án sử dụng trên 5.000 m2 đất phải xin ý kiến tỉnh nhưng các huyện vẫn chấp thuận. Qua kiểm tra 194 dự án của hộ gia đình được chấp thuận thì diện tích đất sử dụng lên tới 150 ha. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cá thể kê khai việc sử dụng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động còn nhiều bất cập, đôi khi không đúng thực tế", ông Kiêm cho biết.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho thấy, mục tiêu năm 2019 tỉnh có thêm 2.500 doanh nghiệp khó đạt được. Toàn tỉnh hiện có khoảng 110.000 hộ kinh doanh cá thể, song chỉ 284 hộ có quy mô trên 10 lao động. Vì vậy, dựa vào việc phát triển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp thì con số đạt được không đáng kể. Toàn tỉnh Hải Dương chỉ có 8.930 trong tổng số hơn 13.400 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế. Số còn lại đang chờ giải thể, đã ngừng hoạt động, đang chờ đầu tư hoặc không tìm thấy. Đáng nói là số doanh nghiệp có quy mô lớn rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ (70,6% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chỉ có 2,6% số doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỷ đồng).
Những khó khăn, vướng mắc về vốn, kiến thức quản trị, tuyển dụng nhân sự, đất đai xây dựng nhà xưởng… cần được kịp thời tháo gỡ để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn ban đầu. “Chúng tôi mong muốn tỉnh cũng như Nhà nước quan tâm đến các doanh nghiệp làng nghề truyền thống, có cơ chế chính sách hỗ trợ. Chính sách vay vốn nên cụ thể để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời mở nhiều lớp tập huấn để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận chính sách, pháp luật mới”, ông Giang bày tỏ.