Hải Dương: Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn đầu độc người dân
Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn chuyên sản xuất gạch ốp lát, liên tục xả khói bụi trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận.
Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương thuộc Công ty TNHH Ngọc Sơn do bà Trịnh Thị Mánh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật. Nhà máy được cấp phép xây dựng tháng 6/2010 trên diện tích hơn 8,1 ha, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm/năm. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy này liên tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phớt lờ ý kiến của người dân
Anh Nguyễn Văn Lâm ở khu 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương) - cách nhà máy gạch khoảng 200m cho biết, người dân nơi đây rất bức xúc với hoạt động của nhà máy khi xả khói bụi ra môi trường. "Khói nhà máy thường được xả vào ban đêm, có mùi hắc của lưu huỳnh rất khó chịu. Nhà máy gạch có ống khói nhưng nhiều hôm, khói được xả ra ngay nóc xưởng bay mù mịt. Gặp gió đông nam, khói bao trùm toàn bộ khu dân cư 13, người dân rất khó thở", anh Lâm bức xúc.
Anh Lâm còn cho biết, ô tô chở đất sét từ nơi khác về nhà máy để sản xuất gạch không được che đậy bạt nên đất cát vương vãi xuống đường. Mỗi lần xe chở nguyên liệu vào nhà máy rồi chạy ra đường tỉnh 391 mang theo cả khối lượng đất bẩn bám vào bánh xe rơi xuống đường. "Trời nắng thì bụi, trời mưa thì bẩn, đường trơn trượt, rất nguy hiểm cho người và xe cộ đi qua", anh Lâm cho biết thêm.
Mặc dù ki ốt bán hàng cách xa nhà máy gạch gần 1km nhưng ông Đỗ Danh Thụy ở khu dân cư 13 phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng rất bức xúc với việc nhà máy gạch xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. "Tiếng là nhà máy nằm trên địa bàn xã Ngọc Sơn nhưng lại gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư 13, phường Hải Tân. Ban ngày thì ít nhưng ban đêm, khói bụi của nhà máy gạch bao trùm cả khu dân cư", ông Thụy nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết, người dân trong khu đã nhiều lần phản ánh vụ việc lên phường Hải Tân và TP Hải Dương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Không cầu cứu được chính quyền, người dân đòi làm việc với lãnh đạo nhà máy gạch nhưng nhiều lần gọi điện thoại, bà Trịnh Thị Mánh đều không nghe máy.
"Tổ dân phố số 4 và số 5 với hơn 100 hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất của khói bụi từ nhà máy gạch. Nhiều người dân không chịu nổi đã phải bán nhà chuyển đi nơi khác ở như gia đình các ông Vũ Văn Dừng, Nguyễn Văn Lợi, Vũ Văn Quý, Vũ Văn Hùng, Vũ Văn Việt...", bà Tâm nói.
Phải di chuyển nhà máy
Ngày 8/8/2019, đoàn kiểm tra do Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương) và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tứ Kỳ đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn. Qua kiểm tra cho thấy Cyclon lọc bụi của hệ thống lọc bụi công đoạn sấy phun bị hở, bụi vẫn phát sinh ra xung quanh. Hệ thống lọc bụi túi công đoạn mài cạnh không hoạt động dẫn đến không thu gom được bụi phát sinh. Công tác vệ sinh công nghiệp chưa bảo đảm; sân, tuyến đường vận chuyển còn nhiều đất, cát vương vãi...
Đoàn kiểm tra yêu cầu lãnh đạo Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn thực hiện nghiêm túc đề án bảo vệ môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương phê duyệt. Tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp khu vực nhà xưởng và khu vực đường nội bộ nhằm giảm thiểu bụi phát sinh. Rà soát lại toàn bộ các biện pháp xử lý khí thải, bụi của nhà máy gạch để có giải pháp giảm thiểu đồng thời lắp đặt, sửa chữa hoàn thiện hệ thống xử lý bụi để thu gom bụi phát sinh từ công đoạn mài cạnh, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường.
Mặc dù lãnh đạo Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn cam kết xử lý triệt để những vấn đề mà đoàn kiểm tra đưa ra nhưng đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng theo phản ánh của người dân khu 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương), tình hình vẫn không có biến chuyển, khói bụi vẫn xả mù mịt ra môi trường.
Từ ngày 1/12/2019 tới, xã Ngọc Sơn chính thức sáp nhập về TP Hải Dương theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương có chủ trương di chuyển toàn bộ những nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô để xây dựng TP Hải Dương đạt đô thị loại I trước năm 2020. Đến nay, hầu hết các nhà máy được đã được di chuyển khỏi nội thành, TP Hải Dương cũng vừa công nhận đạt đô thị loại I.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương hỗ trợ 34 tỷ đồng cho liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
17:20, 29/11/2019
Hiệp hội du lịch Hải Dương tăng cường liên kết hợp tác vùng miền, quảng bá du lịch
07:29, 23/11/2019
Bảo hiểm xã hội Hải Dương: Hiệu quả từ cơ chế “một cửa điện tử”
11:28, 22/11/2019
Theo quy hoạch, ngay cạnh Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn là khu dân cư Ngọc Sơn rộng hơn 14ha với quy mô đáp ứng chỗ ở cho khoảng 3.000 người đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đối diện là Khu dân cư mới Ngọc Sơn với diện tích 7,8ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 người dân đã được UBND tỉnh giao chủ đầu tư, đang thực hiện các trình tự thủ tục để xây dựng hạ tầng.
Do vậy, việc di chuyển Nhà máy gạch Ceramic Ngọc Sơn ra khỏi nội đô TP Hải Dương là cần thiết và đúng theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.
Kỳ sau:Lãnh đạo TP Hải Dương nói gì?