“Đã đến lúc phải sửa Luật Thương mại”
Đây là một trong những kiến nghị nổi bật của VCCI trong Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2019.
Trò chuyện với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định rất nhiều quy định trong Luật Thương mại đã trở nên “lỗi thời” nhưng vẫn không hề bị bãi bỏ. Đáng chú ý, đang có tình trạng quy định trong một số luật và Luật Thương mại cùng quy định khác nhau về một vấn đề.
Quyền tự do kinh doanh bị hạn chế
Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn cho biết, hiện tại đang có sự không thống nhất giữa các Danh mục liên quan đến điều kiện kinh doanh quy định Luật Thương mại và Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Theo đó, Luật Đầu tư 2014 quy định cấm đối với một số hoạt động đầu tư kinh doanh, trong khi đó pháp luật về thương mại quy định về các loại hàng hóa, dịch vụ cấm sản xuất, kinh doanh. Về bản chất, hai Danh mục này có tính chất tương tự nhau, cấm hoạt động đầu tư kinh doanh đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
“Như vậy, quy định tại Luật Thương mại quy định hàng hóa, dịch vụ cấm sản xuất, kinh doanh là chưa phù hợp về mặt pháp lý. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật nào bãi bỏ quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm sản xuất, kinh doanh tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, sau này là Nghị định 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của nghị định 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vì vậy đến nay quy định tại hai văn bản này vẫn còn hiệu lực”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, mặc dù Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại ít được biết đến và không được áp dụng, nhưng về mặt lý thuyết cùng tồn tại hai Danh mục liên quan đến hạn chế quyền tự do kinh doanh cùng tồn tại, có sự mâu thuẫn cho thấy sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật về kinh doanh.
Về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và danh mục hàng Hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi Phụ lục năm 2016) có quy định Danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tập hợp tất cả các ngành nghề đầu tư kinh doanh hiện hành trong hệ thống pháp luật về kinh doanh.
Khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cũng quy định: “Cá nhân, tổ chức kinh tế được quyền kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh”.
Trong khi đó, Luật Thương mại cũng quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện (cụ thể tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện). Khoản 2 Điều 25 Luật Thương mại quy định “Đối với hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật”.
Theo ông Tuấn về mặt hình thức thì đây là hai nhóm Danh mục khác nhau (một áp dụng cho chủ thể, một áp dụng cho sản phẩm). Tuy nhiên, trên thực tế hai nhóm Danh mục này có rất nhiều điểm chồng lấn bởi về bản chất thì mỗi hàng hóa, dịch vụ - sản phẩm đầu ra của quá trình đầu tư kinh doanh - đều phải gắn liền với chủ thể kinh doanh nào đó.
“Nếu đã cấm chủ thể kinh doanh thì đương nhiên sẽ không tồn tại sản phẩm kinh doanh (do đó không cần đến Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh). Nếu đã kiểm soát chủ thể kinh doanh bằng điều kiện kinh doanh thì đồng nghĩa các sản phẩm kinh doanh đó đã được kiểm soát ngay từ ban đầu thông qua các điều kiện kinh doanh của chủ thể (chẳng hạn, dịch vụ cầm đồ được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được hiểu, để kinh doanh ngành nghề này các chủ thể phải đáp ứng các điều kiện nhất định)”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Từ câu chuyện Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc: Trông người lại nghĩ đến ta
09:08, 06/01/2019
Có gì đặc biệt trong Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc?
11:30, 03/01/2019
Việt Nam lần đầu tiên trúng cử thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế
19:20, 18/12/2018
Trên thực tế, ông Tuấn cho biết Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư hiện nay được thiết kế đi theo loại hàng hóa, dịch vụ rồi (vì ngành nghề phải gắn với sản phẩm). Hơn nữa, trong thời gian có hiệu lực, Nghị định 59/2006/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 43/2009/NĐ-CP) dường như chưa thực hiện được “sứ mệnh” của mình, bởi vì các hàng hóa, dịch vụ được liệt kê trong Nghị định không đầy đủ và không có bất kỳ cơ chế nào kiểm soát hiệu quả các hàng hóa, ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện tại đang tồn tại ở nước ta.
“Do đó, rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước gần như không biết đến sự tồn tại của Nghị định này cũng như hiệu lực áp dụng của nó. Việc tồn tại cùng lúc hai Danh mục khiến cho quy định kiểm soát về điều kiện kinh doanh có sự chồng lấn và chồng chéo, mặc dù trên thực tế Danh mục theo pháp luật về thương mại không được áp dụng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Luật Thương mại và Luật Đấu giá tài sản đang chồng chéo
Mục 2 Chương VI Luật Thương mại quy định về đấu giá hàng hóa (đối tượng đấu giá, người tổ chức đấu giá, nguyên tắc, trình tự thủ tục đấu giá, …) trong đó quy định “Người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng của mình trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức đấu giá”. Theo quy định này thì đấu giá hàng hóa không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản thì “hành nghề đấu giá tài sản” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Luật Đấu giá tài sản quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản, điều kiện của người hành nghề đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản cũng không bãi bỏ các quy định về đấu giá hàng hóa tại Luật Thương mại.
“Mặc dù, hiện tại các quy định này tại Luật Thương mại không được áp dụng trên thực tế, nhưng việc hai luật cùng quy định về đấu giá tài sản và đang có xung đột khiến cho hệ thống pháp luật kinh doanh trở nên thiếu thống nhất”, ông Tuấn khẳng định.
Vì vậy, để khắc phục những chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, ông Tuấn khẳng định đã đến lúc sửa đổi Luật Thương mại.