Tôm Minh Phú thoát “án” lẩn tránh thuế bằng cách nào?
TS Phan Ngọc Tâm, Giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành Công ty Luật Tín & Tâm cho rằng Tôm Minh Phú hoàn toàn có thể thoát được việc chống áp thuế.
Ngày 14/1/2020, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.
- Ông đánh giá như thế nào về quyết định áp thuế này?
Từ năm 2016, căn cứ phán quyết của WTO, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG), không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp CBPG với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú. Điều này đồng nghĩa với việc Minh Phú là công ty duy nhất của Việt Nam không chịu mức thuế CBPG khi xuất khẩu tôm vào Mỹ.
Tuy nhiên, với cáo buộc này, Minh Phú có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong việc xuất khẩu tôm sang thị trường nước ngoài. Với việc bị áp thuế CBPG, kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú sẽ bị ảnh hưởng đến những mục tiêu đặt ra, nhất là trong giai đoạn Hoa Kỳ đang là thị trường có doanh thu nhập khẩu tôm Minh Phú đứng đầu.
Hiện nay, Minh Phú cho rằng những thông tin cáo buộc do bên khởi kiện cung cấp là sai lệch, không đúng. Trong hoàn cảnh CBP đã sử dụng các thông tin thu thập từ nhiều nguồn, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood thì Minh Phú cần tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, một cách thỏa đáng, công bằng và phù hợp với thực tế hơn.
-Tôm Minh Phú hiện là doanh nghiệp tôm lớn nhất cả nước, vụ việc này sẽ tác động như thế nào tới ngành tôm, thưa ông?
Mỹ là thị trường quan trọng ngành thủy sản Việt Nam. Từ năm 2005, mặt hàng tôm của Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ thị trường.
Là doanh nghiệp duy nhất được Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG từ năm 2016, Minh Phú đã “hồi sinh” cho thị trường tôm xuất khẩu Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành thị trường tiềm năng hàng đầu và những sản phẩm tôm xuất khẩu cũng rất được ưa chuộng tại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ việc lần này có thể khiến con đường phát triển của ngành tôm Việt Nam lại rơi vào khó khăn khi phải đối mặt với những biện pháp khắt khe của Mỹ.
Nhìn lại, năm 2004, khi Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam, nhiều nông dân lao đao bởi không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà giá tôm trong nước sụt xuống còn 50.000-70.000 đồng một kg trong khi trước đó có thời điểm trên 130.000 đồng một kg. Vụ việc lần này có thể đem lại một kết quả tương tự cho tôm Minh Phú nói riêng và ngành tôm nói chung.
Rất có khả năng ngành tôm Việt Nam sau khi bị áp thuế bán phá giá này sẽ bị hạn chế khả năng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành này.
- Đây mới là quyết định mang tính chất tạm thời, vậy tôm Minh Phú có khả năng thoát được việc chống áp thuế không, thưa luật sư?
Tôm Minh Phú hoàn toàn có thể thoát được việc chống áp thuế. Tuy nhiên, để thoát được việc chống áp thuế, Minh Phú cần đưa ra những cơ sở, bằng chứng cụ thể cho những cáo buộc mà Minh Phú cho rằng là sai phạm.
Về lâu dài, Minh Phú cần rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc nhập khẩu và chế biến tôm đáp ứng sự khắt khe của thị trường nước ngoài. Trong điều kiện từ nhiều năm nay, thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác và tôm nguyên liệu, Minh Phú cần có những biện pháp theo dõi tình hình nguồn nguyên liệu, giá thành, mở rộng vùng nuôi, chủ động nguồn cung nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng. Cần tạo dựng niềm tin về thương hiệu tôm Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Từ quá trình theo dõi các vụ kiện chống bán phá giá cũng như vấn đề phòng vệ thương mại, có một thực tế cần lưu ý là doanh nghiệp Việt thường chỉ bị điều tra và áp thuế chống lẩn tránh tại các thị trường như Ấn Độ, EU, Mỹ…
Có thể bạn quan tâm
Minh Phú lên tiếng sau khi Mỹ thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá
15:54, 21/01/2020
Xơ sợi nhân tạo của Việt Nam bị điều tra vì nghi bán phá giá
00:00, 18/01/2020
Canada rà soát thuế chống bán phá giá một số sản phẩm ống dẫn dầu Việt Nam
00:02, 16/01/2020
Gỗ dán có thể tránh bị áp thuế chống bán phá giá
02:03, 15/12/2019
- Vậy, theo ông doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này cần phải lưu ý điều gì? Thưa luật sư?
Từ xung đột căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ càng khiến cho rủi ro bị kiện tụng với hàng Việt tăng lên. Hàng Việt Nam đi Mỹ hoặc EU đều là nhóm sẽ bị điều tra chống bán phá giá theo phương pháp phi thị trường, tức là nhà điều tra không thừa nhận chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, nhóm 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng bị điều tra sẽ là bị đơn bắt buộc, phải báo cáo số liệu chi tiết và chính xác cho nhà điều tra Mỹ hoặc EU theo từng mã sản phẩm (cả về giá bán, chi phí, lượng tiêu thụ lẫn các yếu tố đầu vào, …). Do đó, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn lực tài chính để đầu tư cho các vấn đề kỹ thuật về pháp lý.
Việc xây dựng chiến lược thị trường xuất khẩu cần đảm bảo tránh không để cho xuất khẩu tăng đột biến vào những thị trường có thể xảy ra những khiếu kiện chống bán phá giá. Trong công tác nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần xem xét, cân nhắc đến nguy cơ đe dọa từ các vụ kiện chống bán phá giá tại những thị trường lớn và những thị trường đã có tiền lệ kiện chống bán phá giá đối với những sản phẩm xuất khẩu tương tự hoặc giống của các nước trên thế giới.
Điều mấu chốt là các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu… để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế.
Khi bị điều tra thì doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng trong thủ tục điều tra vì nếu doanh nghiệp từ chối hợp tác, cơ quan điều tra sẽ bị áp dụng các thông tin có sẵn, thường rất bất lợi cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất không phải là chứng minh rằng doanh nghiệp đúng mà là giảm thiểu mức áp thuế chống bán phá giá càng thấp càng tốt.
Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải biết tiến thoái đúng lúc. Trường hợp doanh nghiệp không có hệ thống lưu trữ chứng từ chuẩn xác thì cách tốt nhất là nên tuyên bố từ bỏ cuộc điều tra. Nếu từ bỏ thì chỉ mình doanh nghiệp đó phải “chịu trận” và có thể được xem xét giảm thuế trong các đợt rà soát sau này. Nếu không vượt qua được giai đoạn thẩm tra thì tất cả doanh nghiệp Việt xuất khẩu cùng mặt hàng sẽ bị áp thuế ở mức rất cao.
- Trân trọng cảm ơn ông!