Gỗ dán có thể tránh bị áp thuế chống bán phá giá

Diendandoanhnghiep.vn Việt Nam hoàn toàn có thể tránh được việc Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán (Plywood).

Đây là quan điểm của TS Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên khoa luật, Đại học Ngoại Thương. 

Ông Hà cho rằng doanh nghiệp và cơ quan chức năng của Việt Nam cần phối hợp triệt để với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để cung cấp thông tin, bằng chứng đầy đủ, chính xác và có độ tin cậy nhằm giúp họ xác định gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc là không bán phá giá.

- Việc Hàn Quốc vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán của Việt Nam sẽ tác động thế nào tới doanh nghiệp, thưa ông?

Từ tháng 09/2019, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách cảnh bảo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Theo danh sách này, mặt hàng gỗ dán được đưa vào diện cảnh báo cao nhất là mức 4. Đối với Hàn Quốc, đây là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn nhất của Việt Nam ở Châu Á.

Hiệp hội sản xuất gỗ Hàn Quốc đang đề xuất mức thuế chống bán phá giá lên đến 93.5% đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam, trong khi mức thuế chống bán phá giá dao động từ 3.96% đến 38,1% đang được áp dụng cho gỗ dán nhập khẩu từ Malaysia và Trung Quốc.

Các thông tin nêu trên cho thấy, một khi mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc xác định là có bán phá giá, có thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất gỗ trong nước của Hàn Quốc và có mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố trên, thì thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng.

  Theo thông tin của hãng Yonhap, các mặt hàng gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 40% thị trường sản phẩm gỗ của Hàn Quốc (khoảng 800 tỷ won, tương đương 677 triệu USD). 

- Vụ việc này đang ở mức điều tra. Vậy, chúng ta có thể tránh được việc áp thuế này không, thưa ông?

Chúng ta hoàn toàn có thể tránh được việc áp thuế chính thức nếu các doanh nghiệp và cơ quan chức năng của Việt Nam cần phối hợp triệt để với cơ quan chức năng của Hàn Quốc.

Trong trường hợp không thể tránh được việc áp dụng thuế chính thức, những thông tin đầy đủ, chính xác, có độ tin cậy cao cũng có thể giúp các doanh nghiệp tránh được việc bị áp dụng một mức thuế chống bán phá giá quá cao và bất hợp lý.

- Về phía các doanh nghiệp thì cần có sự thay đổi nào trong việc sử dụng cũng như ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới, thưa ông?

Việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp chống bán phá giá nói riêng là điều bình thường trong thương mại quốc tế hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh để xử lý vấn đề. Đồng thời, các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng các sổ sách kế toán, tài chính, các hợp đồng mua bán và các hồ sơ chứng từ khác có liên quan phù hợp với yêu cầu của cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Để đối phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá trong tương lai, sự thay đổi quan trọng nhất từ phía doanh nghiệp là thay đổi thói quen liên quan đến việc thiết lập hệ thống sổ sách kế toán và tài chính. Cơ quan điều tra của nước nhập khẩu sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp các minh chứng về giá trị thông thường của sản phẩm.

Hệ thống các quy chuẩn số sách, chứng từ tài chính của mỗi quốc gia có thể có sự khác biệt. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền về điều tra chống bán phá giá của nước nhập khẩu sẽ chỉ chấp nhận các quy chuẩn, tiêu chuẩn của họ, thường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số nước tại ASEAN, chấp nhận chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nên doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên chủ động chuẩn bị các sổ sách báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể cung cấp các thông tin cho cơ quan điều tra một cách đầy đủ và nhanh nhất.

- Nhưng phòng vệ thương mại không chỉ đơn thuần là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, đây là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa, thưa ông?

Từ góc độ của nước bị điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp có sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá, thông qua hiệp hội ngành hàng của mình, cần phải có sự trao đổi và thống nhất về cách thức đối phó, chia sẻ thông tin, cùng nhau thực hiện các biện pháp đối phó và chia sẻ các chi phí. Đứng riêng lẻ thường sẽ bất lợi, mỗi ngành sản xuất nội địa cần có chiến lược hay hành động tập thể.

- Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc né tránh phòng vệ thương mại là điều không thể. Chúng ta nên làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các vụ việc phòng vệ thương mại, thưa ông?

Các FTA thế hệ mới của Việt Nam về cơ bản đều xây dựng cơ chế phòng vệ thương mại trên cơ sở các quy định của WTO. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam nên thực hiện các chính sách để giúp các ngành sản xuất đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường.

Đồng thời, Chính phủ nên xây dựng các chuẩn mực kế toán trong nước theo các chuẩn mực quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế. Cuối cùng, trong trường hợp thấy việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá của nước ngoài là không phù hợp với các quy định của WTO và FTA thế hệ mới, Việt Nam nên chủ động sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hoặc của FTA thế hệ mới để bảo vệ cho quyền lợi của ngành sản xuất ở trong nước.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Gỗ dán có thể tránh bị áp thuế chống bán phá giá tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714123143 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714123143 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10